Một bài thơ bi tráng mà hào hùng, sâu lắng
LTS: Tiếp sau lời bình bài thơ “Phận người bên một dòng sông” của Lan Nguyễn về bài thơ này của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô ngày 24/4/2023, tòa soạn tiếp tục nhận được lời bình của đồng nghiệp Hạnh Nguyên, nhà báo trẻ ở một tỉnh vùng biển, với cách tiếp cận đa chiều và cách diễn đạt lôi cuốn người đọc về hòa bình và chiến tranh, về tình người và tình yêu đôi lứa… Bài viết thật sự truyền cho người đọc những cung bậc cảm xúc xót đau về sự mất mát trong chiến tranh, nhưng không làm con người gục ngã; Trái lại, vẫn nuôi tin yêu, hy vọng, hướng tới những điều cao đẹp của cuộc đời. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài viết của Hạnh Nguyên!
Tôi không phải là người nghiên cứu văn học, nhưng qua một số tác phẩm đề cập dòng văn học viết về đề tài hậu chiến tranh với nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại, bằng những câu chuyện mang âm hưởng bi tráng, các tác giả đã khắc họa sự hy sinh mất mát của người lính ngay cả khi chiến tranh đã khép lại, để lại sự xúc động sâu sắc cho người đọc.
Với bài thơ “Phận người bên một dòng sông”, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã góp vào bản hợp ca bi tráng ấy một khúc nhạc đa thanh, khi êm đềm bình dị, lúc ầm ào dữ dội, khi dịu dàng mềm mại, lúc mạnh mẽ, hào hùng.
Ảnh minh họa |
Không dày dặn như thiên tiểu thuyết, không trải dài như bản trường ca, không ôm chứa cả một quãng dài lịch sử với nhiều biến động đất nước, mà bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh như một lời thì thầm nhỏ nhẹ, kể câu chuyện về quãng đời của một người lính và những người thân yêu, với nhiều khổ đau nhưng vẫn sáng lên tình người, tình yêu cao đẹp. Giản dị và lắng sâu, bài thơ neo lại trong lòng người đọc những dư âm vừa dịu ngọt, vừa xót xa, thương cảm.
Bài thơ mở ra khung cảnh bình yên của làng chài, nơi cuộc sống đôi trai gái ngày ngày êm đềm trôi qua với: “Thả lưới, buông câu, kéo vó, đặt lờ / Đêm về, cùng thức với sao khuya…”. Bỗng thiên nhiên nổi cơn cuồng nộ thử thách sức người: “Khi lũ về, ầm ào cuồn cuộn/ Bè mảng nát tan, nước cuốn về xuôi! / Ta đành rời bỏ nghề chài / Cùng hợp sức sớm chiều cuốc đất/ Khai phá bãi bờ um tùm cỏ lác / Cặm cụi gieo những mùa hạt đầu tiên…”.
Ảnh minh họa |
Bằng ý chí vươn lên, sự cần cù chăm chỉ, một cuộc sống mới dần đơm hoa kết trái, hứa hẹn mùa hạnh phúc, bình yên cho lứa đôi: “Trời chẳng phụ người hiền / Đất sình lầy thành mía, rau mát mắt/ Đàn bò thong dong gặm cỏ / Mẹ bỏm bẻm nhai trầu, lòng khấp khởi / Cầu mong hai đứa sớm se duyên…”. Thế nhưng, lại một lần nữa thử thách ập đến, chiến trường gầm vang tiếng súng, thúc giục chàng trai vượt Trường Sơn đánh giặc: “Đất nước bỗng chiến tranh / Anh vào Trường Sơn trận mạc / Kỷ niệm mang theo duy nhất / Hơi ấm bàn tay trước lúc lên đường…”.
Đất nước bị xâm lăng, có biết bao người con đất Việt chỉ mang theo một “hơi ấm bàn tay” - một kỷ niệm vô giá để ra trận! Đó là điểm tựa, là niềm tin yêu hy vọng, để người lính chiến đấu và chiến thắng kẻ thù: “Tiếng súng ngừng, anh về lại quê hương / Đôi nạng thương binh gập ghềnh qua nhiều huyện, tỉnh…”.
Gửi lại một phần thân thể nơi chiến trường đã im tiếng súng, người lính ấy náo nức trở về quê hương mang theo chút hy vọng, dù là mong manh: “Dù biết em đã nhận thư báo tử”. Thế rồi, định mệnh một lần nữa lại cào xé lòng anh khi khúc khải hoàn ca ngày trở về lại nối tiếp bằng khúc bi ai tiễn biệt người mẹ già đã xanh cỏ. Còn người bạn gái năm xưa, giờ không biết ở nơi nào?!
Ảnh minh họa |
Nếu mọi sự hợp, tan, chia ly và gặp gỡ trên cuộc đời này đều do chữ “duyên phận sắp bày”, thì một lần nữa, cái duyên ấy cho anh gặp lại người xưa nhưng trong hoàn cảnh thật trớ trêu. Tròn 10 năm mẹ mất, cô gái ấy nay đã là thiếu phụ dẫn con tìm về thăm viếng mộ mẹ anh: “Anh trầm ngâm trước mộ mẹ kính thương / Lòng đau quặn giữa khói hương trầm mặc / Dòng sông nước đỏ ngầu vẫn chảy/ Bỗng một con thuyền dừng cạnh bãi ngô / Người phụ nữ và đứa trẻ chít khăn tang rời thuyền lên mộ/ Anh bàng hoàng nhìn em trào tuôn dòng lệ / Mẹ nằm cõi âm nay trọn mười năm / Lại là ngày gặp nhau trong nghịch cảnh đau lòng / Thân phận những người bên một dòng sông!”.
Câu thơ tiếp theo diễn tả nỗi đau xé lòng nhưng cũng gợi cho người đọc thấy được tấm lòng bao dung cao cả, sự mạnh mẽ, cứng cỏi của người lính đã từng luyện rèn trong khói lửa chiến tranh: “Mây như ngừng trôi / Mặt trời tự dưng tắt lịm”. Anh vỗ vai em: “Đừng bận tâm nhiều về anh/ Phận đời, trời đã định / Mong mẹ con hãy sống an lành!”.
Ảnh minh họa |
Chỉ gói gọn trong 6 câu thơ, Nguyễn Hồng Vinh đã lột tả được sự hy sinh mất mát không thể đo đếm được của người lính, ngay cả lúc chiến tranh đã kết thúc. Đó là sự hy sinh thầm lặng khi nhân vật chính lựa chọn cách giấu đi nỗi niềm riêng để giữ tròn hạnh phúc cho người bạn gái.
Đọc bài thơ này của tác giả, tôi chợt thấy đời người cũng giống như đời sông, dù khi nước lặng dòng trong hay khi nổi sóng cuộn trào, dù lúc êm đềm lăn tăn sóng gợn, hay khi lũ cuốn gầm gào, thì sông vẫn mải miết xuôi dòng ra biển lớn, mang phù sa bồi đắp cho đôi bờ xanh mát màu no ấm.
Với 9 câu thơ ở 2 khổ cuối, tác giả miêu tả tinh tế tâm trạng của người lính biết ghìm nén nỗi nhớ thương da diết khi lên đường ra trận, và cả lúc trở về quê là bao nỗi đau mất mát dồn dập ập xuống người thương binh đã mất cả hai chân! Hai tâm trạng ở hai thời điểm lịch sử, nhưng chỉ một mục tiêu là ra đi hay trở về dù không vẹn nguyên nhưng đều góp sức làm cho đất nước tươi xanh, con người sống với nhau vì tình sâu, nghĩa cả.
Ảnh minh họa |
Phút chia tay người bạn gái năm xưa là nỗi bâng khuâng dâng tràn cả hai phía: “Phút chia ly bịn rịn / Mặt trời ra khỏi đám mây / Nắng lóa giữa màu xanh ngút ngát…”.
Có thể ví bài thơ “Phận người bên một dòng sông” giống như một bộ phim ngắn. Bài thơ giống như một cốt truyện, có nhân vật với diễn biến tâm trạng theo tầng nấc trong bối cảnh không gian và thời gian hiện lên thật sống động qua từng câu thơ giàu hình ảnh và sức gợi.
Nếu đã đọc thơ Nguyễn Hồng Vinh, người đọc còn nhận thấy cả chất nhạc và chất thiền trong các tác phảm khác của ông gần đây như “Giữa dòng thiền mênh mang”, “Tiếng đời”, “Tiếng sóng quê hương”, “Giây phút chênh chông”… Có một nhà thơ đã nói đại ý rằng: “Viết văn là để khám phá xung quanh. Còn làm thơ là khám phá chính mình”.
Trên hành trình đi sâu vào bên trong để “khám phá” chính nhà thơ, Nguyễn Hồng Vinh đã tìm thấy, đã thể hiện một bản thể đáng trân trọng - đó là một hồn thơ thuần hậu, luôn rung cảm trước tình người, tình đời.
Tranh minh họa |
Bằng kiến văn sâu rộng và vốn sống phong phú sau chặng đường dài làm báo, viết thơ, đã giúp nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân tích lũy những vốn liếng thực tế quý báu để ông “khám phá xung quanh”.
Sau quá trình thực hiện thiên chức ấy, Nguyễn Hồng Vinh quay trở vào “bên trong” để “khám phá chính mình” bằng thơ. Do vậy, bên cạnh Nguyễn Hồng Vinh - một cây bút chính luận sắc sảo, còn có một Nguyễn Hồng Vinh với tâm hồn thơ nhân văn, tươi mới và hồn hậu, thật đáng nể trọng!
Chúc ông tiếp tục gặt hái những mùa vui trên con đường sáng tạo!
Tháng 5/2023