A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rơm rạ thành sản phẩm du lịch ở làng cổ Đường Lâm

Từ đầu năm đến nay, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) thu hút hàng vạn khách du lịch. Không chỉ khám phá vẻ đẹp làng cổ, khách tham quan còn được trải nghiệm các sản phẩm thủ công thú vị từ rơm rạ.

 
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát hướng dẫn các em nhỏ làm hình nộm từ rơm.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát hướng dẫn các em nhỏ làm hình nộm từ rơm.
 

Sáng tạo từ rơm rạ

Không chỉ giữ được nét cổ kính đặc trưng của làng quê Đồng bằng Bắc Bộ, người dân Đường Lâm hiện vẫn gắn bó với lối sống nông nghiệp. Vì vậy, cách đây vài năm thị xã Sơn Tây đã đầu tư cho việc phát triển các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm giúp du khách tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa xứ Đoài nói chung, văn hóa nông nghiệp tại Đường Lâm nói riêng.

Tour du lịch đã thu hút đông đảo lượng du khách trong nước và quốc tế, mỗi năm Đường Lâm đón hàng trăm đoàn khách, đông nhất là học sinh các trường quốc tế đến trải nghiệm. Tại Đường Lâm, du khách được hóa thân làm người nông dân Việt Nam, tham gia các hoạt động cấy lúa, cày bừa, làm bánh truyền thống, làm quen với các nông cụ, vật nuôi của người nông dân.

Năm 2024, Đường Lâm được vinh danh “Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN” của giải thưởng Du lịch quốc tế (WTO), tạo tiền đề đẩy mạnh sản phẩm du lịch nông nghiệp, phù hợp với chiến lược bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di tích làng cổ.

Từ cảm hứng tour du lịch nông nghiệp, họa sĩ – nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã thực hiện ý tưởng biến rơm rạ thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Ban đầu chỉ là một buổi học sáng tạo đặc biệt dành cho các em nhỏ, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước và trân trọng giá trị của hòa bình.

Từ những bó rơm tưởng như chỉ dành cho việc đun nấu, dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, các em nhỏ đã tạo ra những mô hình giàu tính biểu tượng, từ hình hài con vật như trâu, bò, ngựa cho đến những vật dụng thiết thực như đôi dép rơm, những bức tranh biểu tượng cho độc lập, hòa bình…

Không chỉ tạo ra những trải nghiệm cần thiết cho thế hệ trẻ, qua việc sử dụng rơm rạ trong sáng tạo, nghệ nhân muốn truyền tải thông điệp nhân văn, ý nghĩa giáo dục và triết lý xa xưa của nền nông nghiệp lúa nước. Với nhiều em nhỏ ở thành phố, có lẽ đây là lần đầu tiên nghe thấy, nhìn thấy, sờ vào rơm rạ, biết được một số công dụng của vật liệu này trong đời sống sinh hoạt.

 

“Bà con nông dân sau khi thu hoạch thì rơm rạ không được tận dụng, bị bỏ phí. Tôi nghĩ có thể tận dụng rơm rạ vào những việc có ích, thông qua đó lại tạo ra những sản phẩm phục vụ du lịch trải nghiệm. Điều tôi muốn gửi gắm chính là cây lúa - chất liệu của nền nông nghiệp, để mọi người hiểu được giá trị sâu sắc của nông nghiệp, nông thôn, khơi gợi các giá trị dân gian”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.

Đưa văn hóa vùng quê đến gần hơn với công chúng, những sợi rơm rạ dần trở thành chất liệu quen thuộc với khách du lịch trong nước và quốc tế. Từ một con trâu bằng rơm to như trâu thật được anh Phát chế tác từ năm 2024, cho đến nay những sản phẩm khác, nhỏ bé và xinh xắn trở thành những món quà du lịch hấp dẫn không chỉ truyền tải hình ảnh ruộng đồng, mà còn đánh thức ý nghĩa của sinh thái thiên nhiên, đem lại nhiều câu chuyện thú vị về văn hóa và mô hình du lịch bền vững.

rom-ra-thanh-san-pham-du-lich-3.jpg

Từ rơm rạ biến thành các món quà du lịch xinh xắn.

“Kho báu” làng cổ hút khách

Làng cổ Đường Lâm đến nay vẫn giữ được những nét đặc trưng tiêu biểu của làng quê Việt, với cây đa, bến nước, sân đình, chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm, nhà thờ họ, đường làng lát gạch nghiêng, hình xương cá, đồng ruộng và đồi gò…

Đường Lâm còn nổi tiếng bởi là đất sinh ra 2 vị vua: Ngô Quyền và Phùng Hưng. Đường Lâm còn có tên gọi là làng đá ong, bởi hầu hết các ngôi nhà, tường rào đều xây dựng bằng đá ong.

 

Đặc biệt, làng cổ Đường Lâm còn lưu giữ được gần 1.000 ngôi nhà cổ, nhiều ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1650. Các ngôi nhà được xây dựng từ 5 - 7 gian, bằng vật liệu truyền thống như gỗ xoan, tre, nứa, đá ong, đất nện, gạch đất nung…

Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Với mục tiêu đưa làng cổ trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hà Nội đã và đang khẩn trương xây dựng Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ”.

Tại Đường Lâm, du khách được hóa thân làm nông dân, trực tiếp tham gia vào các hoạt động cấy lúa, cày bừa, làm bánh truyền thống, làm quen với các nông cụ, vật nuôi. Ngoài ra, du khách còn được hòa mình vào cuộc sống thường ngày của người dân, được tham gia vào các trò chơi dân gian.

Với mô hình du lịch nông nghiệp, theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hàng năm làng cổ Đường Lâm đón hàng vạn khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu. Nhằm phát huy các giá trị di sản, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kích cầu du lịch, thu hút ngày càng đông du khách, đặc biệt tại các nước Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và châu Âu đến tham quan.

Theo thống kê, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2025 đã có hàng vạn du khách về Đường Lâm xem trình diễn sản phẩm thủ công, thưởng thức đặc sản địa phương bánh chưng, gà mía, tương, thịt quay đòn; trải nghiệm làm kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, làm bánh tẻ, bánh sắn, làm tương…

Yếu tố con người cũng được đánh giá là thế mạnh trong phát triển du lịch tại Đường Lâm. Ngoài những nghệ sĩ, nghệ nhân như anh Nguyễn Tấn Phát, người làng cổ vô cùng trân trọng các giá trị mà cha ông để lại, coi đó như một kho báu. Họ nâng niu, gìn giữ từ những di sản vật thể cho đến nếp sống, tục lệ, văn hóa làng.

 

Bởi vậy, sự đặc sắc của Đường Lâm như được nhân đôi khi lồng ghép các ý tưởng, mô hình nông nghiệp trong hoạt động du lịch nhằm gìn giữ một làng quê thuần khiết, hồn hậu.

“Mô hình ‘rơm rạ tái sinh, nghề làng thức giấc’ không chỉ là ý tưởng du lịch, mà đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Mỗi sợi rơm là ký ức, tấc đất quê hương. Khi chúng ta nâng niu, sáng tạo từ những điều giản dị nhất cũng chính là nối dài sự sống. Đồng thời, là một cách để giới thiệu và phát huy các giá trị văn hóa làng quê, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, phong tục và nghề truyền thống cha ông”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật