Giả du học sinh lừa tiền cọc của người bán hàng qua hội nhóm trên mạng xã hội
Giả danh người mua từ nước ngoài, gửi tin nhắn chuyển tiền qua Western Union kèm biên lai và hình ảnh thật để tạo lòng tin - các đối tượng lừa đảo đang lợi dụng sự mất cảnh giác của người bán hàng online, đặc biệt trong các hội nhóm công nghệ trên mạng xã hội, để chiếm đoạt tiền cọc.
Các tin nhắn của đối tượng lừa đảo. Ảnh: Long Nguyễn
Chiêu thức cũ, nạn nhân mới
Ngày 17.5, anh Nguyễn Văn Hưng (31 tuổi, trú tại Hà Nội) đăng bài rao bán chiếc máy ảnh Sony A6400 cùng phụ kiện với giá 25,5 triệu đồng trên một hội nhóm chuyên mua bán thiết bị công nghệ.
Chỉ vài phút sau, tài khoản Facebook “Nguyễn Thanh” nhắn tin, tự nhận là du học sinh tại Hàn Quốc, ngỏ ý mua máy. Người này nói chuyện rất am hiểu, sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành như “màn trập”, “rễ tre”, “tiêu cự”, “khẩu độ”… để trao đổi, thậm chí gọi video để xem máy, khiến anh Hưng hoàn toàn tin tưởng.
Sau cuộc thương lượng, Thanh đồng ý mua với giá 25,2 triệu đồng và đề nghị chuyển cọc 5,2 triệu đồng, phần còn lại thanh toán qua ship COD về địa chỉ tại Thanh Hóa. Lý do đưa ra là “đang ở nước ngoài nên chỉ có thể chuyển qua Western Union”.
Chỉ ít phút sau, Thanh gửi ảnh đang đứng tại quầy giao dịch Western Union, kèm “biên lai chuyển tiền” in rõ họ tên, số tài khoản VPBank và số tiền chuyển đúng như thỏa thuận. Tiếp theo là một tin nhắn SMS giả dạng từ hệ thống Western Union, thông báo giao dịch chuyển tiền từ Busan (Hàn Quốc) đã được thực hiện.
Chờ mãi không thấy tiền về, anh Hưng được Thanh hướng dẫn quét mã QR trên biên lai để kiểm tra trạng thái giao dịch. Sau khi quét, hệ thống yêu cầu xác nhận lại số tiền nhận được.
“Tôi bắt đầu thấy nghi ngờ, vì bước xác nhận đó giống hệt như lệnh chuyển tiền chứ không phải nhận tiền” - anh Hưng kể.
“Tôi dừng lại, chất vấn thì lập tức bị đối tượng mắng chửi rồi chặn luôn tài khoản”.
Rất may anh Hưng đã kịp thời phát hiện và không làm theo. Khi anh chia sẻ lại vụ việc lên nhóm, nhiều thành viên khác lập tức phản hồi họ cũng từng suýt là nạn nhân với cùng một kịch bản.
Cần nâng cao cảnh giác
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ ẩn mình trên các hội nhóm đồ công nghệ, các đối tượng lừa đảo còn có mặt trong nhiều hội nhóm mua bán khác và thường trong vỏ bọc du học sinh để dễ bề tạo thiện cảm.
Chị Tạ Tố Nga (41 tuổi, Hải Dương) cũng suýt bị mất tiền khi bán tranh cho một “du học sinh Nhật Bản” cách đây hơn 1 tháng. Chị Nga cười, kể: “Đối tượng rất am hiểu về tranh, trả giá khá sát thị trường, nên tôi không mảy may nghi ngờ. Tôi đã tiến hành lệnh chuyển tiền rồi, nhưng do tài khoản không đủ nên không chuyển được. Ai có thể tin được lừa đảo lại còn hiểu biết sâu cả về hội họa”.
Tuy nhiên không phải ai may mắn như anh Hưng hay chị Nga.
Theo anh Nguyễn Huy Vũ - chuyên gia xử lý khủng hoảng truyền thông thuộc Công ty CP Truyền thông Tây Bắc - anh đã chứng kiến nhiều người mất tiền, từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng thông qua hình thức này.
"Đây là hình thức lừa đảo không mới, nhưng vẫn hiệu quả bởi được xây dựng dựa trên tâm lý tin tưởng giữa các thành viên cùng sở thích" - anh Vũ nói.
Theo anh Vũ, những kẻ lừa đảo thường giả làm người Việt ở nước ngoài, có am hiểu sâu trong lĩnh vực giao dịch, dùng biên lai hoặc tin nhắn giả danh Western Union để tạo cảm giác "tiền đã được chuyển". Sau đó, chúng yêu cầu người bán cung cấp OTP, truy cập vào đường link lạ, hoặc xác nhận qua mã QR - tất cả đều là những bước dẫn đến việc bị chiếm đoạt tiền.
Các hội nhóm có đông thành viên, kiểm duyệt lỏng lẻo là môi trường lý tưởng để những kẻ này hoạt động.
Được biết, Bộ Công an đã từng nhiều lần cảnh báo: không có tổ chức chuyển tiền hợp pháp nào yêu cầu người nhận phải cung cấp OTP, quét mã, hay đóng phí trước. Mọi yêu cầu như vậy đều là dấu hiệu lừa đảo.