A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đắk Lắk kiểm tra đột xuất quy trình sản xuất, đóng gói sầu riêng ở nhiều khu vực

Đắk Lắk - Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra đột xuất quy trình sản xuất sầu riêng ở các mã số vùng trồng, mã số đóng gói để đảm bảo chất lượng trước khi xuất khẩu.

Đắk Lắk kiểm tra đột xuất quy trình sản xuất, đóng gói sầu riêng ở nhiều khu vực

Sầu riêng Đắk Lắk những năm qua đã và đang khẳng định được chất lượng và thương hiệu. Ảnh: Bảo Trung

Ngày 22.5, ông Nguyễn Thiên Văn - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tuân thủ quy trình sản xuất, tránh việc để tồn dư Cadimi (kim loại nặng), chất Vàng O (chất tạo màu) trên sầu riêng.

Tỉnh Đắk Lắk đang có diện tích 38.800ha đất trồng sầu riêng. Trong đó, có hơn 22.000ha đã cho thu hoạch. Năm 2024, sản lượng sầu riêng Đắk Lắk đạt gần 362.000 tấn. Năm 2025, sản lượng sầu riêng Đắk Lắk ước đạt trên 400.000 tấn.

Sầu riêng Đắk Lắk được chất lên xe container để xuất khẩu sang nước ngoài. Ảnh: Bảo Trung

Sầu riêng Đắk Lắk được chất lên xe container để xuất khẩu sang nước ngoài. Ảnh: Bảo Trung

Địa phương đang có 23 cơ sở đóng gói, 68 mã số vùng trồng sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, với tổng diện tích vùng trồng khoảng 2.521ha, chiếm khoảng 25% diện tích trồng thuần.

Ngoài ra, tỉnh còn có 16 cơ sở đóng gói, 228 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 5.400ha đã hoàn tất hồ sơ và đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, chiếm khoảng 54% diện tích trồng thuần.

Người lao động chế biến, đóng gói sầu riêng cấp đông. Ảnh: Bảo Trung

Người lao động chế biến, đóng gói sầu riêng cấp đông. Ảnh: Bảo Trung

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về chất lượng, sản lượng, quy trình sản xuất sầu riêng đối với các mã số vùng trồng, mã số đóng gói trên địa bàn. Qua đó, không để tình trạng tuồn hàng từ nơi khác về lấy nhãn mác sầu riêng Đắk Lắk.

Việc này nhằm kiểm tra nhanh các loại côn trùng nguy hại, bị cấm khi xuất khẩu. Đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp kiểm tra nhanh chất Vàng O, chất Cadimi tồn dư trên sầu riêng hoặc các loại trái cây xuất khẩu khác.

“Tỉnh vừa tiếp tục đề xuất Trung ương thành lập trung tâm kiểm dịch thực vật nguy hại tại Đắk Lắk nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi xuất khẩu”, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nói thêm.

Ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk nhận định, việc Trung Quốc kiểm soát gắt gao Cadimi, chất Vàng O là một thách thức đối với ngành hàng sầu riêng Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Tuy vậy, đây cũng là thử thách, động viên người dân, doanh nghiệp hướng đến trồng, chăm sóc, xuất khẩu sầu riêng bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật