A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ động vật hoang dã

Số ca COVID-19 tăng mạnh trở lại ở nhiều nước châu Á do miễn dịch suy giảm, tiếp xúc đông người dịp lễ và sự xuất hiện của các biến chủng phụ dễ lây lan. Trong bối cảnh này, các chuyên gia một lần nữa cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ động vật hoang dã.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ động vật hoang dã

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các loài động vật hoang dã. Ảnh: Thành Sơn

Nhiều mầm bệnh xuất phát từ các loài hoang dã lây truyền sang người

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện Tổ chức Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Văn phòng Việt Nam cho biết, từ 2010 tới nay, WCS Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trong nước thực hiện các nghiên cứu về những mầm bệnh trên các loài động vật hoang dã có nguy cơ cao về lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật (linh trưởng, dơi, động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt…) và các rủi ro lây truyền giữa người và động vật tại Việt Nam.

"Kết quả của các nghiên cứu phát hiện trên cả động vật và người 46 virus có khả năng lây truyền giữa người và động vật. Trong đó, ngoài 20 virus đã biết, có 26 virus mới, chưa từng được phát hiện trước đây bao gồm 5 chủng virus thuộc họ corona (gồm các virus đã gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm như SARS, COVID-19, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)…), 2 chủng virus thuộc họ Herpes (gồm các virus đã gây ra các bệnh như thủy đậu, zona), 5 chủng virus thuộc họ Paramyxo (gồm các virus đã gây ra các bệnh như sởi, quai bị và gần đây bệnh do virus Nipah cũng là 1 chủng virus thuộc họ Paramyxo-) và 14 chủng virus Rhabdo (gồm các virus gây bệnh dại…)", bà Thủy cho hay.

Với kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học chỉ ra, các hành vi, hoạt động liên quan đến săn bắt, vận chuyển, mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người khi có thể phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Nói về thực trạng và giải pháp của vấn đề bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã, TS. Phạm Đức Phúc, Trung tâm Nghiên cứu Y tế Công cộng và Hệ sinh thái, Đại học Y tế Công cộng; Mạng lưới Một sức khỏe các Trường Đại học Việt Nam (VOHUN) cho rằng: Các hoạt động buôn bán ĐVHD cả dưới hình thức hợp pháp và bất hợp pháp càng thúc đẩy con người tiếp xúc gần với các loài mới, bao gồm các loài nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có nhiều loài là vật chủ gây bệnh.

"ĐVHD thường bị buôn bán làm thực phẩm, thuốc đông y hoặc thú cưng, trong đó mỗi mắt xích của chuỗi cung ứng đều tiềm ẩn rủi ro lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người" - TS Phúc nói.

Cần thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu khả năng xuất hiện, bùng phát dịch bệnh

Theo TS. Phạm Đức Phúc cho rằng, trước hết, cần tăng cường thực thi pháp luật nhằm chấm dứt hoàn toàn các hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, bao gồm cả việc quảng cáo trái phép ĐVHD trên mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử. Riêng với hoạt động buôn bán hợp pháp và quản lý các trang trại gây nuôi thương mại ĐVHD, cần kiểm soát chặt toàn bộ chuỗi cung ứng nhằm giám sát các mối nguy cơ dịch bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về rủi ro pháp lý và sức khỏe của việc tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp, tuyệt đối không cổ súy các món ăn hay phương thuốc có nguồn gốc từ ĐVHD.

Thứ hai, chú trọng khảo sát, đánh giá nguy cơ của từng nhóm loài ĐVHD, trong đó cần có biện pháp giám sát đối với các nhóm loài có nguy cơ cao phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Việc này mang lại những cảnh báo sớm đối với sự lây lan bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Thứ ba, tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng hợp tác liên ngành theo cách tiếp cận Một sức khỏe để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD.

Thứ tư, thúc đẩy lối sống lành mạnh với việc tiếp cận, sử dụng các nguồn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nói không với việc tiêu thụ các loài ĐVHD, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Song song với đó, cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các chương trình, dự án phục hồi rừng và bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn loài...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật