Lê Thanh Phong tiết lộ về điệu tứ hoa trong dân ca Ví, Giặm
“Hoàng tử Ví, Giặm” Lê Thanh Phong tiết lộ về điệu Tứ hoa trong dân ca Ví, Giặm trong đêm nhạc "Quê ơi là quê".
Chương trình nghệ thuật đậm đặc chất quê
Đêm nhạc "Quê ơi là quê" do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức vào dịp cuối tuần qua tại Hà Nội là một chương trình nghệ thuật đậm đặc chất quê, hồn quê. Tham gia biểu diễn trong đêm nhạc có nhiều giọng ca được khán giả yêu mến ở nhiều thế hệ như NSƯT Tố Nga, ca sĩ Lê Thanh Phong, Quán quân Tiếng hát Hà Nội 2023 Vân Anh…
Từ trái qua: Nghệ sĩ Lê Thanh Phong, NSƯT Tố Nga, Vân Anh |
Trong đó, nghệ sĩ 9X Lê Thanh Phong là một nét thú vị của chương trình khi mang đến những làn điệu dân ca Ví, Giặm - loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Lê Thanh Phong là Trưởng Đoàn Nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ, được khán giả yêu mến gọi bằng cái tên “Hoàng tử Ví, Giặm”. Không chỉ sở hữu giọng hát ngọt, tình cảm, anh còn là người tổ chức, biên kịch, sáng tác ca khúc, viết ca từ cho nhiều vở diễn Ví, Giặm.
Chính vì thế, trong đêm nhạc "Quê ơi là quê", Lê Thanh Phong đã mang sở trường của mình đến với khán giả khi thể hiện bài Ví, Giặm "À ơi hai tiếng quê hương" và 2 bài tân cổ tứ hoa "Quê hương" (lời thơ Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch), "Câu hát quê hương" (nhạc sĩ Hồ Hữu Thới).
Phần lời tứ hoa trong 2 ca khúc "Quê hương", "Câu hát quê hương" đều do chính Thanh Phong soạn lời và chuyển thể. “Để thể hiện các bài hát này, tôi đã làm việc với nhạc sĩ Xuân Hùng và Dàn nhạc Phương Đông của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Nghệ sĩ Lê Thanh Phong |
Nhạc sĩ Xuân Hùng là người con xứ Nghệ, rất hiểu lề lối, cấu trúc của làn điệu tứ hoa và dân ca Ví, Giặm nên sáng tạo được những bản phối hiện đại nhưng vẫn giữ được màu sắc dân gian, quyện hòa được yếu tố dân tộc và đương đại”, Lê Thanh Phong cho biết.
Bên cạnh đó, nam ca sĩ cũng thể hiện ca khúc "Thuyền hoa" mang âm hưởng dân ca Nam Bộ và song ca cùng Vân Anh bài hát "Em vẫn chờ anh" (nhạc sĩ Mai Cường) theo phong cách dân gian nhưng có hơi hướng trữ tình, nhạc nhẹ.
Đặc biệt, Lê Thanh Phong còn giải thích cho khán giả hiểu hơn thế nào là làn điệu tứ hoa trong dân ca Ví, Giặm. “Năm 1984, khi Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh dựng vở "Mai Thúc Loan", nghệ sĩ Đình Bảo cứ trăn trở mãi về một làn điệu có thể chuyển tải được tâm trạng giằng xé đớn đau, sự khắc khoải nhớ nhung ở trích đoạn Mai Thúc Loan bị tống giam trong ngục.
Một đêm trằn trọc không ngủ, ông lặng lẽ mượn cây đàn guitar đánh và thầm thì nghĩ ra lời hát. Hôm sau, khi lên Đoàn, nghệ sĩ Đình Bảo đã hát cho mọi người nghe thử và nhận được sự tán dương. Làn điệu ấy được ông đặt tên tứ hoa.
Làn điệu tứ hoa là sự kết hợp của 4 (tứ) làn điệu Ví, Giặm, thơ trung và quân tử phu dịch trong chèo. Làn điệu này được người dân yêu thích và hát nhiều, đến nỗi ai cũng tưởng rằng đây là điệu hát cổ từ ngày xưa”, Lê Thanh Phong cho biết.
Đồng thời, Lê Thanh Phong cũng chia sẻ với khán giả về nguồn gốc làn điệu "Giận thương": “Bài Giận mà thương của nhạc sĩ Nguyễn Trung Phong sáng tác năm 1967, nó được rút từ một vở nhạc kịch dân gian, sau đó được phổ biến rộng rãi ở Nghệ An, Hà Tĩnh và lan truyền đến nhiều nơi khác. Cũng như làn điệu tứ hoa, chính sự lan tỏa đã khiến người ta nhầm rằng "Giận thương" là một làn điệu cổ”.
Những ân tình đầy xúc động
Chia sẻ sau chương trình, Lê Thanh Phong cho biết, anh thực sự hạnh phúc khi được tham gia đêm nhạc "Quê ơi là quê" vào đúng dịp tròn 10 năm anh cộng tác với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Rạp hát Âu Cơ trong đêm diễn ra "Quê ơi là quê" kín khán giả - điều rất đáng nói ở một chương trình biểu diễn bán vé của một đơn vị nghệ thuật Nhà nước. Lê Thanh Phong cho biết, toàn bộ vé VIP của đêm diễn đã bán hết trong vòng 3 ngày mở bán. Điều này khiến anh cũng như các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình thêm cảm xúc để thăng hoa.
Với Lê Thanh Phong, cảm xúc còn mạnh mẽ hơn khi đón nhận những khán giả đặc biệt. Đó là nhạc sĩ Hồ Hữu Thới - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, hơn 80 tuổi vẫn đến xem nam ca sĩ 9x hát ca khúc của mình với tân cổ mới lạ.
Lê Thanh Phong tặng hoa mẹ |
Đó là người mẹ của anh, dù đang đau chân vẫn vượt hơn 300 cây số nghe con trai hát. Đó là những người dân làng Quỳnh Đôi của “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương rủ nhau đi cả mấy xe ô tô từ Quỳnh Lưu, Nghệ An ra Hà Nội ủng hộ Lê Thanh Phong.
Đó là khán giả bay từ Nha Trang ra làm mất vé, đến nỗi Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Trường Bắc phải ra đón giúp anh. Đó là những khán giả lớn tuổi từ nhiều miền quê như Hưng Yên, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng… vẫn về Thủ đô để nghe anh hát.
Bùi Lê Mận tặng hoa Lê Thanh Phong |
Đặc biệt, khán giả của Lê Thanh Phong còn có Quán quân Sao Mai 2009 Bùi Lê Mận, người chị thân thiết trong nghề cũng như trong cuộc sống của nam ca sĩ.
Bùi Lê Mận đã tự mua vé VIP, cùng chồng đến sớm 1 tiếng trước khi đêm nhạc mở đầu để tặng hoa cho Lê Thanh Phong. Sau khi nghe đàn em hát Ví, Giặm cổ, nữ ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc dân gian đã bật khóc vì xúc động.
Bùi Lê Mận cho biết, đây là lần đầu tiên cô khóc khi nghe một nam ca sĩ hát Ví, Giặm. Tình cảm của đàn chị khiến Lê Thanh Phong vô cùng cảm động và hạnh phúc, bởi nhận được sự đồng cảm cũng như sự ghi nhận về nghề của đàn chị.
“Sự yêu mến của khán giả và những người đi trước trong nghề là động lực để tôi ấp ủ những dự án mới cho âm nhạc, cho nghệ thuật truyền thống”, Lê Thanh Phong chia sẻ.
Nghệ sĩ Lê Thanh Phong sinh năm 1992, là Thạc sĩ, Trưởng đoàn Dân ca xứ Nghệ UNESCO tại Hà Nội, BTV chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh từng được trao giải Diễn viên xuất sắc tại Festival âm nhạc dân gian thế giới Uzbekitstan 2017; Bằng khen Liên hoan âm nhạc dân gian do Đài Truyền hình quốc tế Vân Nam - Trung Quốc năm 2019; các Bằng khen Vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trao tặng các năm 2018, 2019, 2020… Thời gian gần đây, anh được mời tham gia nhiều chương trình ngoại giao văn hóa lớn như Ngày Việt Nam tại Nhật Bản năm 2023, Ngày Việt Nam tại Pháp năm 2023. |