A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Khi chúng con đang theo đúng tâm nguyện của Người”

Sau khi báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng bài thơ "Đinh ninh lời bác" của nhà thơ Hồng Vinh, tòa soạn đã nhận được bài hưởng ứng từ tác giả Lan Nguyễn, giảng viên Học viện Chính trị Công an Nhân dân. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc...

Lại gặp đây chất chính luận làm nên phong cách thơ Nguyễn Hồng Vinh!

Không lệ thuộc vào âm luật, phối thanh bằng trắc, thơ chính luận của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh mang đậm tính triết lý, tính thời sự. Dường như chất báo lan tỏa khiến thơ chính luận của Hồng Vinh nồng đậm hơi thở thế sự. Tính thời sự ấy gắn chặt đến mức người đọc dễ dàng cảm nhận được cái “chất đời” đang phả vào từng câu từ của bài thơ.

“Khi chúng con đang theo đúng tâm nguyện của Người”

“Đinh ninh lời Bác” là một tác phẩm như thế. Được ra đời trong không khí lực lượng Công an nhân dân vừa kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ có 6 lời dạy Công an nhân dân (11/3/1948 - 11/3/2023), vừa đánh giá một năm thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Không khí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Rất nhanh, với nhãn quan và trái tim của nhà báo từng trải, Hồng Vinh đã hòa vào, nhập vào và hóa thân trong lực lượng công an, nói lên tấm lòng của từng cán bộ, chiến sĩ coi mỗi việc làm của mình đều hướng tới mục tiêu cao đẹp: “Vì Tổ quốc trường tồn là tối thượng!”.

Ngày 5-6-1911, từ bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bài thơ bắt đầu bằng hình ảnh biểu trưng về con tàu đất nước. Cũng là con tàu, nhưng không phải hình ảnh con tàu băng băng tiến về Tây Bắc trong “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên. Con tàu đất nước của Hồng Vinh được đặt trên nền biển cả mênh mông, lớp lớp sóng xô, chưa biết đâu là bến bờ. Nhưng người đọc sẻ chia tâm trạng của “anh Ba”, luôn đau đáu về con đường giải phóng đất nước và nhân dân thoát phận đời nô lệ với hình ảnh vừa cụ thể, vừa khái quát, ẩn sâu dòng suy tưởng.

Con tàu nghiêng ngả sóng trùng dương

“Anh Ba” sức kiệt dọn xong bàn

Giờ nghỉ vẫn mơ về đất nước

Dân nhà đang cơ cực, lầm than! (*)

Hình ảnh con tàu nghiêng ngả phải chăng đã tái hiện thời kỳ đất nước sục sôi các phong trào đấu tranh. Từ cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng, cuộc khởi nghĩa nông dân của Hoàng Hoa Thám đến phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh… nhưng tất cả đều thất bại. Đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước.

“Khi chúng con đang theo đúng tâm nguyện của Người”
Bến cảng Nhà Rồng

Ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Người đã bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Nét tài tình của tác giả chính là cách khơi, cách gợi qua việc lựa chọn hình ảnh “con tàu nghiêng ngả”, “anh Ba kiệt sức” vì công việc dọn bàn, phụ bếp nhưng tâm trí vẫn đau đáu nghĩ về Tổ quốc, về Nhân dân mình. Xúc động biết bao khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ấy sau này trở thành lãnh tụ của Đảng và nhân dân. Trong những ngày bôn ba, điệp trùng gian khổ, Người đã tìm thấy ánh sáng của con đường giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Mắt Người sáng lên

Khi đọc lại Cương lĩnh Lênin

Con đường giải phóng nhân dân

Là đồng lòng đánh Tây, đuổi Nhật

Đem sức ta tự giải phóng mình!

Khổ thơ 5 câu ngầm báo hiệu ý lạ. Cách diễn ý qua các câu dài ngắn đan xen, lúc 4 chữ, khi 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ tạo cảm giác về sự không cân đối, sự xô lệch, bất quy tắc. Chẳng phải lục bát, cũng không phải đường luật, chẳng gieo vần, ngắt nhịp cũng không niêm luật, thơ chính luận của Hồng Vinh vẫn có sức hút diệu kỳ. Sức hút đó có lẽ đến từ mạch sống cuồn cuộn chảy trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, sức sống ngàn năm “cuốn phăng bọn thực dân, phong kiến”.

Tôi vốn rất phục cách dùng chữ của tác giả. Một từ “cuốn phăng” đánh sạch bay mọi thế lực chống phá. Một từ “cuốn phăng” hội tụ trọn vẹn sức mạnh của nhân dân. Cũng một từ “cuốn phăng” đó, lực lượng vũ trang, công an, quân đội mang trên mình sứ mạng “tấm lá chắn”, “cái khiên” dầy bảo vệ Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân ra đời.

Lịch sử có những điều kỳ thú

Ngày tổng khởi nghĩa cuốn phăng bọn thực dân, phong kiến

Cũng là ngày ra đời lực lượng Công an

Cùng quân đội là “tấm lá chắn” vững bền

“Cái khiên” dầy thêm nhờ sức mạnh Nhân dân!

“Khi chúng con đang theo đúng tâm nguyện của Người”
Bến cảng Nhà Rồng nhìn từ trên cao

Cảm xúc tự hào trào dâng đâu phải chỉ ở những “điều kỳ thú” của lịch sử dân tộc. Nói đến đây, tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh chú bé lên ba vụt hóa thân thành tráng sĩ, thành anh hùng dân tộc; Hình ảnh những người phụ nữ yểu điệu, thướt tha xưng vương, gióng trống, hiệu triệu đồng bào cả nước đồng lòng đánh giặc. Đó là sức mạnh nội sinh được khởi nguồn từ điều “kỳ thú” của dòng giống con rồng, cháu tiên chăng? Và nay, chính điều kỳ thú ấy, chính “sức mạnh Nhân dân” ấy đã làm “dầy” thêm “cái khiên” Công an.

Bàn thêm về từ “dầy”, tôi càng cảm phục trách nhiệm, trải nghiệm và sự thấu hiểu về lực lượng công an của người cầm bút. Lời Bác dạy luôn khắc sâu trong tâm, trí mỗi cán bộ, chiến sĩ công an: “Công an là bạn dân”; “Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu công an biết dựa vào dân, thì Nhân dân sẽ là người giúp việc rất đắc lực của công an”; “Khi Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”… Công an Nhân dân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ. Lý tưởng ấy đã được Bác kiến tạo thông qua những nguyên tắc, phương pháp công an. “Cái khiên” thêm “dầy” nhờ biết vận động, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân.

“Khi chúng con đang theo đúng tâm nguyện của Người”

Mạch thế sự tiếp nối một cách tự nhiên như suối nguồn tuôn chảy. “51 chữ vàng thiêng liêng” ngấm trong từng lời nói, thái độ, hành vi, cử chỉ của mỗi cán bộ chiến sĩ công an, bật thành tiếng gọi thiết tha, tôn kính:

Bác ơi, chúng cháu sao quên

Chỉ 3 năm sau ngày lập nước

Bác viết 6 điều dạy Công an

Với 51 chữ vàng thiêng liêng

Dẫn dắt chúng con vượt thử thách, gai chông

Lập nên bao chiến công, kỳ tích

Khổ thơ 6 câu, đặt trong tổng thể trước sau mỗi khổ 5 câu, mang dấu hiệu bất thường. Và bất thường hơn khi lại được đặt chính giữa bài thơ. Dường như, tác giả đang ngầm truyền tải thông điệp về một di sản thiêng liêng, vô giá Bác Hồ đã gửi tặng lực lượng Công an Nhân dân. Tinh tế và khéo léo, tác giả đặt điểm nhấn qua những con số khắc sâu mốc son quan trọng. Số 3 gắn với “Chỉ 3 năm sau ngày lập nước”, số 6 trực tiếp khẳng định thông điệp: “Bác viết 6 điều dạy Công an”, số 51 “Với 51 chữ vàng thiêng liêng” là chân giá trị, là định hướng hành động, là bản chất Công an nhân dân Việt Nam.

“Lời Bác đã thấm sâu vào tâm khảm

Công an ta là của Nhân dân

Là bạn của dân

Họ có triệu tai, triệu mắt

Việc khó vạn lần, dân giúp cũng xong!”

Lời dạy của Người chúng con xin nhớ, xin khắc tạc “sâu vào tâm khảm”. Kính ơn Người đã thắp lên ngọn đèn, cho “Chúng con biết đường đi và đích đến”. Chúng con xin nguyện:

Chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh

Vì Tổ quốc trường tồn là tối thượng!”

Đó cũng chính là lời thề danh dự của Công an Nhân dân Việt Nam. Lời thề đó luôn rền vang trong trái tim người công an, chuyển hóa thành hành động cụ thể để bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc. Thiêng liêng lời thề danh dự. Lực lượng Công an “thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, phải chăng bắt đầu từ nhận thức “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”?

Kết thúc bài thơ, tác giả khẳng định:

“Còn Đảng thì còn mình!

Danh dự là điều thiêng liêng”

Dưới cõi người hiền, chắc Bác rất vui

Khi chúng con đang theo đúng tâm nguyện của Người!

“Khi chúng con đang theo đúng tâm nguyện của Người”

Và chúng con, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an tự thấy không hổ thẹn vì đang làm “theo đúng tâm nguyện của Người” với ý thức: Thắng không kiêu, bại không nản - như lời Bác dặn dò. Cám ơn tác giả, người đã thấu, đã hiểu, đã đồng hành, đã cổ vũ ý chí, quyết tâm, bản lĩnh, lý tưởng và những việc làm cao đẹp của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam anh hùng.

(*) Năm 1911, Bác Hồ rời cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Mang tên gọi “anh Ba”, nhận làm phụ bếp cho một hãng tàu buôn của Pháp, lòng luôn đau đáu nghĩ về Tổ quốc, về con đường giải phóng Nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan