A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa các huyện "xích" gần hơn với các quận trong giáo dục đại trà

Chỉ rõ “bệnh thành tích” trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô vẫn còn nặng nề khi các địa phương chỉ đề cập đến học sinh đạt giải nhưng lại không quan tâm đến chất lượng giáo dục đại trà, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, qua đó đưa các huyện “xích" gần hơn với các quận.

Sáng 8/8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tham dự hội nghị về phía đại biểu Trung ương có: Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc...

Đại biểu TP Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà...

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị

"Bệnh thành tích" vẫn còn nặng nề

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các đơn vị đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, với nhiều cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực. Trong đó, một số quận, huyện đã có cách làm phù hợp với thực tiễn và đem lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục đào tạo như Thanh Xuân, Ba Vì, Đan Phượng… nhờ đó chất lượng giáo dục, đào tạo Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục - đào tạo. Trong 10 năm qua, thành phố đã đầu tư khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này. Cùng với đó là chú trọng đổi mới công tác quản trị nhà trường, với việc thí điểm chính sách đặt hàng trong giáo dục đào tạo, giúp giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý đội ngũ của mình trong các nhà trường.

Ngoài ra thành phố cũng quan tâm đến các cấp học, ngành học, kể cả đào tạo nghề. Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đào tạo các cấp.

Đưa các huyện
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao bằng khen cho các tập thể xuất sắc

Bên cạnh những kết quả trên, Phó Bí thư Thành ủy cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế, yếu kém kéo dài thời gian qua trong công tác giáo dục đào tạo của Thủ đô. Trong đó, công tác phân luồng học sinh học nghề còn chưa tốt, tư tưởng trọng bằng cấp vẫn còn. Việc xã hội hóa để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư cho giáo dục đào tạo, dạy nghề và giáo dục đại học còn khiêm tốn. Đặc biệt, bệnh thành tích trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô vẫn còn nặng nề khi các địa phương chỉ đề cập đến các học sinh đạt giải nhưng lại không chú trọng đến chất lượng giáo dục đại trà.

Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, để qua đó các huyện “xích" gần hơn với các quận về công tác này. Trong đó, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô.

Đồng thời, Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về lĩnh vực này. Từ đó, các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; Quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Đối với ngành Giáo dục - đào tạo thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu tham mưu thành phố rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn.

Đưa các huyện
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản và Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Đối với các đơn vị liên quan cần tiếp tục quan tâm đến văn hóa học đường, qua đó góp phần xây dựng văn hóa Thủ đô trên tinh thần “văn hiến, văn minh, hiện đại”; Tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực thể thao học đường để phát triển toàn diện, chứ không chỉ dừng lại ở dạy và học văn hóa; Chú trọng giáo dục sáng tạo trong hệ thống giáo dục của Thủ đô; Công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cụ thể là xây dưng cơ sở dữ liệu của đội ngũ cán bộ, giáo viên để phục vụ luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng khi cần thiết.

Các đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô; Chú trọng việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa công tác giáo dục.

Kiến nghị, cơ chế, đặc thù đưa giáo dục Thủ đô vươn ra thế giới

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ vô cùng quan trọng, với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện các vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục.

Sau 10 năm thực hiện nghị quyết trên, dưới sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, góp phần đổi mới trong phổ cập giáo dục, đổi mới sách giáo khoa, nâng cao chất lượng giáo dục và tự chủ đại học... “Những kết quả này là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên so với yêu cầu của nguồn lực chất lượng cao, kết quả vẫn còn khiêm tốn. Việc đổi mới đang đi vào chiều sâu, đồng nghĩa với nhiều thách thức được đặt ra” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Đưa các huyện
Quang cảnh hội nghị

Với Thủ đô Hà Nội, trong 10 năm qua, số lượng học sinh tăng cao đặt ra áp lực rất lớn cho giáo dục Thủ đô về trường lớp, đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm của các cấp, ngành nên thành phố Hà Nội có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia rất cao. Hà Nội đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; Cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài được coi trọng...

Từ những phân tích trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thành phố Hà Nội sau hội nghị, hoàn thiện các báo cáo, bổ sung số liệu để gửi về Ban chỉ đạo thực hiện tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Trong đó quan tâm tới các kiến nghị đề xuất cho giai đoạn mới, đặc biệt là những kiến nghị, cơ chế, đặc thù để đưa nền giáo dục Thủ đô không chỉ đi đầu cả nước mà còn vươn ra các nước trên thế giới.

*Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật