A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia: 2 triệu chứng điển hình và 1 yếu tố nghi ngờ lây nhiễm đậu mùa khỉ

Dưới đây là hướng dẫn của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, về cách phân biệt dấu hiệu của đậu mùa khỉ với các bệnh khác có cùng triệu chứng.

 

Chuyên gia: 2 triệu chứng điển hình và 1 yếu tố nghi ngờ lây nhiễm đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ là căn bệnh đã bị xóa sổ từ năm 1980 trên thế giới. Thế nhưng trong thời gian gần đây, nó bất ngờ trở lại và tạo thành dịch bệnh trên 92 quốc gia với hơn 68.000 ca nhiễm (tính tới 3/10).

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ là 0-11% và cao hơn ở trẻ nhỏ.

Ngày 3/10, Việt Nam cũng đã ghi nhận ca bệnh đầu mùa khỉ đầu tiên, khởi phát bệnh khi đang đi du lịch nước ngoài. Vậy đậu mùa khỉ có nguy cơ bùng dịch ở Việt Nam hay không? Làm thế nào để nhận biết sớm các dấu hiệu của đậu mùa khỉ và làm gì để phòng tránh?

Hãy cùng PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, giải đáp tất cả trong chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề “Đậu mùa khỉ xuất hiện tại Việt Nam: Cách nhận biết và phòng ngừa”.

Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:

Đậu mùa khỉ xuất hiện tại Việt Nam

Hỏi: Đậu mùa khỉ là bệnh gì? Bệnh có thể nguy hiểm đến thế nào?

Đáp: Đậu mùa khỉ là bệnh có nổi ban giống như bệnh đậu mùa - căn bệnh đã được thanh toán từ năm 1980. Đậu mùa khỉ là bệnh được phát hiện trên khỉ vào năm 1958 nhưng trong thời gian qua, bệnh chủ yếu lây từ động vật gặm nhấm sang người, sau đó là lây từ người sang người và lưu hành chủ yếu ở các nước Tây Phi, Trung Phi. Gần đây, đậu mùa khỉ xuất hiện tại một số nước Châu Âu và cho tới nay có gần 100 nước ghi nhận căn bệnh này, nhưng số lượng bùng phát không quá lớn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo căn bệnh này vì mối lo ngại đậu mùa khỉ sẽ bùng dịch giống như bệnh đậu mùa trước đây. Tuy nhiên, đậu mùa khỉ có các triệu chứng nhẹ hơn.

Thêm vào đó, virus gây bệnh đậu mùa khỉ cùng họ với virus gây bệnh đậu mùa. Chính vì vậy, các chuyên gia lo ngại việc xuất hiện biến thể của virus đậu mùa.

Hỏi: Việt Nam ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở thời điểm nhiều bệnh truyền nhiễm cũng đang bùng phát, ví dụ như virus adeno, sốt xuất huyết. Điều này có đáng lo ngại không?

Đáp: Việc xuất hiện các bệnh truyền nhiễm là điều đáng lo ngại. Chúng ta vẫn luôn lo ngại “dịch chồng dịch”. Tuy nhiên, nếu chúng ta khống chế và kiểm soát được thì cũng không vấn đề gì. Bởi vì tại Việt Nam có nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn đang lưu hành. Chúng tôi làm dịch tễ vẫn luôn nói rằng “mùa nào thức ấy”, có mùa cúm, mùa sốt xuất huyết, Adeno… Đó là chuyện hết sức bình thường.

Về bệnh đậu mùa khỉ, hiện nay nước ta mới phát hiện 1 ca bệnh. Việc phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam là điều không hề bất ngờ vì có sự giao lưu, du lịch quốc tế, đặc biệt, vẫn có những người dân đến và đi về từ nơi có vùng dịch.Chỉ trong vòng 24h, một dịch bệnh ở nơi xa xôi nhất có thể về tới Việt Nam và ngược lại.

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên đã được phát hiện ngay và được cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng. Thêm vào đó, trong thời gian vừa qua, bệnh đậu mùa khỉ vẫn chủ yếu lây lan trong 1 quần thể hẹp, ví dụ như lây lan qua việc quan hệ tình dục đồng giới. Do đó, người dân không nên quá hoang mang trước thông tin này. Tôi cho rằng nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam là thấp.

Hỏi: Vậy còn trên thế giới thì sao, tình hình bệnh đậu mùa khỉ đã giảm nhiệt chưa?

Đáp: Tại Châu Phi, tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ dao động trong khoảng từ 6-8% và số ca nặng không còn nhiều. Tuy nhiên tại châu Âu vừa rồi, đậu mùa khỉ lây lan nhiều nhưng không bùng phát mạnh.

Tuy nhiên, virus vẫn có những biến chủng và trong cộng đồng vẫn có những người bị tổn thương. Do đó, nguy cơ tăng nặng khi mắc đậu mùa khỉ là vẫn có thể có.

Chuyên gia: 2 triệu chứng điển hình và 1 yếu tố nghi ngờ lây nhiễm đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

PGS Trần Đắc Phu (phải) tham gia chương trình Chuyện khó có bác sĩ. Ảnh: Việt Anh.

Nhận biết đậu mùa khỉ

Hỏi: Đậu mùa khỉ lây lan qua những đường nào?

Đáp: Đậu mùa khỉ phát ban trên da nhưng lại lây lan qua đường hô hấp, giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc qua dịch tiết của người bệnh trên các bề mặt, chăn, ga, gối, đệm…

Trong thời gian vừa qua, tại châu Âu, đậu mùa khỉ đặc biệt lây lan qua đường tình dục, nhất là tình dục đồng giới.

Hỏi: Ai là những người có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Đáp: Nhóm quan hệ tình dục đồng giới là nhóm có nguy cơ cao, nhưng nhóm chuyển nặng vẫn nằm trong nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ có thai, người già, người mắc bệnh nền,... Nhóm người này là đối tượng nguy cơ cao không chỉ khi mắc đậu mùa khỉ mà còn nhiều bệnh khác do virus bởi họ có sức miễn dịch kém. Trong khi đó, nhiễm virus đều làm cho hệ miễn dịch bị suy giảm và những ai có hệ miễn dịch kém, sức chống đỡ bệnh sẽ kém đi và bị ảnh hưởng.

Hỏi: Đậu mùa khỉ có những triệu chứng nào?

Đáp: Đậu mùa khỉ là bệnh nhiễm trùng do virus, do đó có thể có các biểu hiện như sốt, đau người, mệt mỏi và điển hình là các sốt phát ban bọng nước. Các bọng nước là triệu chứng có thể xuất hiện ở nhiều bệnh, như đậu mùa, thủy đậu, zona nhưng bọng nước ở đậu mùa khỉ có kèm theo triệu chứng nổi hạch.

Thêm vào đó, cần phân biệt đậu mùa khỉ với các bệnh khác dựa trên yếu tố dịch tễ như đi từ vùng dịch về hay tiếp xúc với người bị bệnh hay không. Đặc biệt, bước cuối cùng chúng ta cần xét nghiệm để xác định bệnh. Có nhiều bệnh có triệu chứng tương tự nhau, như sốt có thể là sốt do cúm A hoặc do sốt xuất huyết và đậu mùa khỉ cũng có triệu chứng này.

Nhìn chung, 2 dấu hiệu điển hình phân biệt đậu mùa khỉ với bệnh khác là nổi bọng nước và nổi hạch. Nếu có thêm yếu tố dịch tễ, cần đi khám và xét nghiệm để xác định.

Chuyên gia: 2 triệu chứng điển hình và 1 yếu tố nghi ngờ lây nhiễm đậu mùa khỉ - Ảnh 2.

"Biến chứng của đậu mùa khỉ không phức tạp như bệnh đậu mùa." - PGS Trần Đắc Phu. Ảnh: Việt Anh.

Hỏi: Bọng nước ở đậu mùa khỉ có thể giống với đậu mùa hoặc thuỷ đậu thông thường. Làm thế nào để phân biệt?

Đáp: Bọng nước ở đậu mùa khỉ có thể mọc từ mặt, lan xuống toàn bộ cơ thể. Thêm vào đó, bọng nước có thể không xuất hiện sẹo sâu như đậu mùa.

Hỏi: Nhiều người nghĩ rằng khi xuất hiện nốt trên da thì mới có khả năng truyền bệnh cho người khác. Điều này có đúng?

Đáp: Bất kỳ căn bệnh nhiễm khuẩn nào đều có thời gian ủ bệnh (5-14 ngày). Thời gian này, virus vẫn có thể lây lan qua đường hô hấp. Còn bọng nước trên da là dấu hiệu phát bệnh và lây truyền qua tiếp xúc dịch tiết từ bọng nước qua chăn, ga, gối…

Đây là 2 cách lây lan bệnh đậu mùa khỉ.

Hỏi: Đâu là những biến chứng của đậu mùa khỉ cần dè chừng?

Đáp: Biến chứng của đậu mùa khỉ không phức tạp như bệnh đậu mùa. Trước đây có rất nhiều người bị mù mắt do nhiễm đậu mùa hoặc có các sẹo rỗ vĩnh viễn trên da.

Đối với đậu mùa khỉ, chỉ ở những trường hợp nặng sẽ gây ra viêm hệ thống như suy gan, suy thận. Đây cũng là biến chứng có thể gặp ở những căn bệnh lây nhiễm do virus nói chung.

Phòng tránh đậu mùa khỉ

Hỏi: Làm gì để phòng tránh đậu mùa khỉ?

Đáp: Cắt đứt đường lây là cách tốt nhất để phòng tránh đậu mùa khỉ. Đối với đường hô hấp, chúng ta nên đeo khẩu trang, khi hắt hơi nên che miệng lại. Các cách phòng tránh này có thể giống với phòng tránh COVID-19. Tiếp đó, chúng ta nên sát khuẩn tay thường xuyên, giữ phòng ở luôn thông thoáng, vệ sinh chăn ga gối đệm…

Hỏi: Thế giới đã có vaccine phòng tránh đậu mùa khỉ chưa?

Đáp: Chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa từ những năm 80 của thế kỷ trước nhờ có vaccine. Cho tới nay, không còn ca bệnh đậu mùa nào còn tồn tại. Vaccine đậu mùa này có thể dùng được để phòng tránh đậu mùa khỉ. Cũng có những vaccine thế hệ mới được sử dụng nhưng chỉ trong phạm vi hẹp. WHO chưa khuyến cáo sử dụng rộng rãi loại vaccine này. Việt Nam cũng chưa khuyến cáo sử dụng vaccine đậu mùa khỉ vì nguy cơ bùng phát lây lan chưa thực sự lớn.

Hỏi: Nếu lỡ tiếp xúc với người có triệu chứng của đậu mùa khỉ, nên làm gì để ngăn ngừa phát bệnh? Trường hợp này có cần cách ly không?

Đáp: Ở trường hợp này, chúng ta cần theo dõi trong vòng 14-21 ngày xem có xuất hiện các triệu chứng của bệnh hay không. Khi có triệu chứng, cần tới cơ sở y tế để được xét nghiệm.

Trong thời gian này, nên dùng các biện pháp phòng tránh lây lan như đeo khẩu trang. Trường hợp này chưa cần cách ly mà chỉ cần theo dõi y tế.

Hỏi: Trong thời gian gần đây, mạng xã hội xôn xao thông tin đậu mùa khỉ là "tác dụng phụ" của vaccine ngừa COVID-19. Xin PGS cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Đáp: Nguyên nhân gây bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định rõ ràng là virus đậu mùa khỉ. COVID cũng có nguyên nhân là virus khác. Vaccine COVID thì cũng rất nhiều người tiêm, nhưng như tại Việt Nam cũng vừa mới ghi nhận 1 ca bệnh đậu mùa khỉ.

Đậu mùa khỉ không phải là tác dụng phụ của vaccine COVID-19 và cũng không phải là triệu chứng của hậu COVID.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật