Điểm mặt 30 dự án nhà ở thương mại dừng thi công tại TP.HCM
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có 30 dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư nhưng ngưng thi công. Các dự án này trước đó đã được cấp phép xây dựng và đang được doanh nghiệp triển khai xây dựng nhiều năm trước nhưng rồi phải dừng thi công.
Đang thi công thì bị "đắp chiếu"
Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo về tình hình phát triển đô thị năm 2022 của Sở Xây dựng TP.HCM gửi Bộ Xây dựng.
Theo đó, trong báo cáo Sở Xây dựng nêu rõ trên địa bàn thành phố có 354 dự án nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư. Đến tháng 2 năm 2023, qua kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án nói trên, có 138 dự án đã hết thời gian thực hiện. Trong số này, có 30 dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư nhưng ngưng thi công.
Cụ thể, dự án dự án CT Plaza Nguyên Hồng tại số 18 Nguyên Hồng, P.1, Q.Gò Vấp do Công ty Nguyên Hồng làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng trên diện tích đất rộng 3.403m2, diện tích xây dựng chiếm 1.822m2, mật độ xây dựng 53%. Tổng diện tích sàn xây dựng là 36.123m2. Diện tích cây xanh và giao thông chiếm 1.581m2. Quy mô dự án gồm 2 tầng hầm và 17 tầng nổi, cung ứng 280 căn hộ có diện tích 55 - 76m2 và 18 căn shophouse rộng khoảng 220 - 470m2.
Dự án được mở bán năm 2016, theo hợp đồng mua bán ký với khách hàng thì sẽ phải bàn giao nhà cho khách hàng tháng 12 năm 2019. Thế nhưng, dự án hiện mới đang xây dựng đến tầng 14, sau đó dừng thi công hoàn toàn vào năm 2021 tới nay.
Dự án Charmington Iris tại quận 4 TP.HCM dù đã xây xong phầm hầm móng nhưng đã rơi vào tình trạng "đắp chiếu" nhiều năm nay. Được biết, tháng 6/2018, Dự án Charmington Iris do Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP làm chủ đầu tư, Công ty TTC Land và Vietcomreal phát triển công bố mở bán ra thị trường. Dự án nằm tại số 76 Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4, TP.HCM, có tổng diện tích 16.654m2, gồm 2 tòa tháp cao 35 tầng và 1 tầng hầm, dự kiến cung ứng thị trường 1.438 căn hộ và 14 căn shophouse, cùng nhiều tiện ích.
Dự án đã được cấp phép xây dựng, đã xây xong móng và khách hàng cũng đã mua gần hết sản phẩm. Tuy nhiên, đầu tháng 1/2019, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi quyết định chủ trương đầu tư Dự án Charmington Iris. Nguyên nhân, theo UBND TP.HCM là do liên quan tới nguồn gốc của khu đất này. Dự án hiện đã bán gần hết số lượng hàng cho khách cũng như thu 30% giá trị sản phẩm căn hộ mà khách hàng mua.
Dự án mang tên The Park Avenue trên mặt tiền đường 3/2 quận 11 cũng nằm trong danh sách dừng thi công dù đã xây dựng tới tầng 6. Cụ thể, dự án này được chủ đầu tư bán và xây dựng từ năm 2015. Dự án The Park Avenue được quy hoạch xây dựng trên khu đất có khuôn viên lên đến 8.937,4m2, The Park Avenue gồm 2 block cao 32 tầng với 3 tầng hầm. Việc bị ngưng triển khai xây dựng bởi dự án bị thanh tra việc chuyển quyền sử dụng đất dự án từ đất sản xuất sang đất nhà ở thương mại không đúng pháp luật.
Tại quận 2, Dự án khu dân cư 30.224 ha thuộc phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM có tên thương mại là The Water Bay, trải dài gần 500m bên đại lộ Mai Chí Thọ, có vị trí bên sông Sài Gòn, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và đảo Kim Cương. The Water Bay có quy mô 5.000 căn hộ chung cư do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (Century 21) là chủ đầu tư. Dự án được mở bán năm 2017, hiện nay đã được tiến hành xây phần móng. Thế nhưng, tới nay dự án này nằm trong danh sách cách dự án bị Thanh tra Chính phủ thanh tra và đưa ra kết luận UBND TP.HCM để chủ đầu tư chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất từ đất tái định cư sang đất nhà ở thương mại.
Đồng thời, theo Thanh tra Chính phủ, TP.HCM đã không thực hiện đấu giá theo quy định, tính tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất đối với dự án khu dân cư này. Dự án này đang bị tạm ngưng nhiều năm qua để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra khi đã san lấp mặt bằng, hoàn thiện phần móng, xây dựng cảnh quan, hạ tầng của gần chục block nhà. Tới nay, hàng ngàn khách hàng mua nhà tại đây dù đã đóng trên 30% giá trị sản phẩm nhà chung cư nhưng vẫn chưa biết tới ngày nào mình nhận được nhà ở.
Trong danh sách này còn có nhiều dự án khác dù dược cấp phép xây dựng từ lâu và đã thực hiện xây dựng nhưng rồi sau đó phải dừng thi công như dự án dự án Diamond Lotus Lakeview tại quận Tân Phú, dự án Kenton Residences tại quận 7, dự án Saigon One Tower tại quận 1…
Khu nhà ở cao tầng và khách sạn, thương mại, dịch vụ 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu của Công ty TNHH Bến Thành - Sao Thủy; 3 dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức của Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh; Khu phức hợp cao ốc văn phòng, thương mại, khách sạn và chung cư số 628-630 Võ Văn Kiệt, quận 5 của Công ty CP đầu tư bất động sản Sài Gòn Vina.
Dự án cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ Lakeside Tower (Tháp Bên Hồ), quận 7 của Công ty CP xây dựng thương mại Đất Phương Nam; chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ văn phòng (Samland Riverside) tại 147 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh của Công ty CP địa ốc Samco; khu nhà ở D2 tại Khu Y tế kỹ thuật cao, quận Bình Tân do Công ty TNHH Hoa Lâm - Shangri-La 5 làm chủ đầu tư; dự án khu dân cư Đông Mê Kông, huyện Nhà Bè của Công ty TNHH dịch vụ thương mại SXXD Đông Mê Kông…
Khi nào mới thi công lại?
Trong báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM gửi Bộ Xây dựng về cách giải quyết cho các dự án này vẫn chỉ là sẽ tham mưu UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh tiến độ các dự án nói trên, đồng thời sẽ tham mưu UBND TP.HCM điều chỉnh quyết định chấp thuận đầu tư.
Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp có dự án bị dừng thi công cho rằng với việc đề xuất điều chỉnh tiến độ dự án như trên thì vẫn chỉ là giải pháp kéo dài thời gian dự án được "đắp chiếu", cái mấu chốt là bao giờ giải quyết các thủ tục, cấp phép xây dựng lại để dự án được tiếp tục thi công.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho rằng lỗi để xảy ra tình trạng nhiều dự án được cấp phép xây dựng rồi lại thu hồi giấy phép đến từ phía doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương thời điểm cấp phép.
"Tuy nhiên, phí chịu thiệt và khổ lại là doanh nghiệp địa ốc vì các dự án này đã được doanh nghiệp bán cho khách hàng, thu tiền khách hàng và rồi khi dừng thi công cũng như chậm bàn giao nhà cho khách hàng như cam kết trong hợp đồng doanh nghiệp hàng tháng phải trả lãi chậm bàn giao nhà cho khách hàng và bị sức ép lớn của khách hàng", ông Hậu nói.
Cũng theo ông Hậu, hiện các dự án này ngoài làm xấu cảnh quan thành phố còn gây ảnh hưởng lớn tới phát triển của doanh nghiệp, người dân mua nhà. Và các dự án này cũng không thể thu hồi được bởi doanh nghiệp đã bỏ tiền tiền mua quỹ đất, đóng xử dụng đất, được cấp phép… nên giời đây các doanh nghiệp chỉ mong sớm được phía cơ quan chức năng giải quyết sớm các thủ tục để được triển khai lại dự án, bàn giao nhà cho khách hàng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng Công ty Vietcomreal, đơn vị phát triển dự án Charmington Iris tại quận 4 bị dừng thi công từ năm 2019 tới nay cho biết hiện đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý mà phía cơ quan chức năng yêu cầu từ năm 2021, và tới nay vẫn mong từng ngày dự án được cấp phép thi công trở lại vì khi dự án dừng triển khai doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn vô cùng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, để giải quyết được vấn đề hồi sinh các dự án "chết lâm sàng", thì có bốn vấn đề lớn nhất hiện nay khiến cho việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản bị chậm lại là quy trình 5 bước thực hiện nhà ở thương mại, thứ hai là quy định đất ở hợp pháp, thứ ba là đất xen cài trong dự án nhà ở thương mại và thứ tư là những dự án đã được chấp thuận đầu tư nhà ở liên quan đến đất công.
Nếu nghị định sửa đổi Luật Đất đai được thông qua thì phải giải quyết được vấn đề đất nhà nước xen cài thì sẽ giải quyết được vướng mắc cho rất nhiều dự án ngay trong năm 2020.
Vấn đề thứ hai là đất ở hợp pháp, nếu dự thảo Luật Đầu tư được thông qua về cơ bản sẽ tháo gỡ được, nhưng với điều kiện là cán bộ nhà nước phải có trình độ tổng hợp, nghĩa là khi nói về Luật Đầu tư nhưng có liên quan đến Luật Đất đai, liên quan đến Luật Nhà ở. Chứ nếu chỉ hiểu được 1 luật thôi thì không thể nắm và giải quyết được vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ ba là các dự án thương mại liên quan đến đất công, vấn đề này cơ quan thanh tra cũng đang tiến hành kiểm tra một số dự án.
Vấn đề thứ tư không thuộc về trách nhiệm của cơ quan Trung ương mà thuộc về cách thực hiện của từng địa phương là quy trình 5 bước thực hiện dự án nhà ở thương mại. Quy trình này Hiệp hội cũng đấu tranh nhiều, từ 6 bước rút gọn thành còn 5 bước, nhưng thực tế thì quy trình không khác gì mấy, các doanh nghiệp cũng phải đóng tiền sử dụng đất trước khi được cấp phép đầu tư xây dựng, điều này khiến cho các dự án bị kéo dài, chi phí đầu tư xây dựng tăng cao và sẽ tác động lên người mua nhà.