A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy trong mô hình chính quyền đô thị

Theo các chuyên gia, việc xây dựng một chương riêng về tổ chức chính quyền tại Thủ đô trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết. Tuy nhiên, các quy định về bộ máy chính quyền TP Hà Nội phải bàn kỹ hơn, theo hướng tinh gọn và phân cấp, phân quyền cao hơn, đảm bảo tính nhanh nhạy trong công tác quản lý đô thị.

Thực hiện triệt để yêu cầu tinh gọn bộ máy

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về thí điểm mô hình tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, tổ chức chính quyền tại Thủ đô bước đầu có khả năng đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn trong quản lý đô thị hiện nay.

Nhìn chung, mô hình chính quyền đã tinh gọn bộ máy so với trước khi không tổ chức HĐND phường. Bộ máy chính quyền và UBND phường tăng cường tính năng động, tự chủ trong hoạt động công tác. Đồng thời, tổ chức chính quyền tại Hà Nội vẫn đảm bảo tính kế thừa cao, giữ được tương đối ổn định về mô hình tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã.

Đáng kể, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị mang lại sự hài lòng cho người dân khi tới làm thủ tục hành chính thông qua việc ủy quyền chứng thực. Cơ chế giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân đã được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh...

Mô hình chính quyền đô thị là một bước tiến đáng ghi nhận trong tổ chức chính quyền tại Hà Nội. Tuy nhiên, việc vận hành mô hình này vẫn còn nhiều bất cập. Việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức chính quyền tại Thủ đô trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là một yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế...

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy trong mô hình chính quyền đô thị

Muốn phát triển thì trước hết, Hà Nội phải có một bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ảnh minh hoạ

Tại chương II, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định về tổ chức chính quyền Thủ đô tại TP Hà Nội. Theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội, việc xây dựng một chương riêng về tổ chức chính quyền tại Thủ đô là rất cần thiết, vì muốn phát triển thì trước hết, Hà Nội phải có một bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Dự thảo đã "luật hóa", tăng tính "chính danh" cho mô hình tổ chức chính quyền ở Thủ đô; Mở ra tổ chức chính quyền linh hoạt, phù hợp với tính chất, mức độ, đặc điểm phát triển đa dạng của các đơn vị hành chính TP Hà Nội...

Tuy nhiên, theo TS. Tố Uyên, mô hình tổ chức chính quyền trong dự thảo vẫn chưa triệt để yêu cầu tinh gọn bộ máy gắn với chủ trương cải cách hành chính.

“Theo Nghị quyết 06- NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị ban hành ngày 24/1/2022, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đến năm 2030 đạt trên 50%. Với Hà Nội, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng 65-70%. Đô thị Hà Nội lúc này có tính tập trung rất cao về dân cư; Các đầu mối giao thông, hành chính, hàng hóa, dịch vụ, thông tin, giao lưu trong sản xuất và thương mại.

Do vậy, hoạt động quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực tại TP có tính liên kết với nhau chặt chẽ; Chính quyền có tính thống nhất cao trong chỉ đạo công việc, đòi hỏi sự nhanh nhạy, quyết liệt trong giải quyết các vấn đề phát sinh”- TS. Tố Uyên nêu.

Từ những đặc thù đó, đòi hỏi bộ máy chính quyền TP Hà Nội phải được tổ chức thống nhất theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, linh hoạt, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý mà mô hình thích hợp lúc này là mô hình một cấp chính quyền (cấp TP).

Có sự phân biệt giữa đô thị lõi, đô thị vệ tinh và phụ cận

PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh (Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát triển Thủ đô cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, đặc biệt về biên chế cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; Có chính sách trọng dụng nhân tài; Thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp đặc thù…

Góp ý cụ thể, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh chỉ rõ: Thẩm quyền cho TP phải cao hơn thẩm quyền cấp huyện để tạo tiền đề bứt phá. Vì vậy, đối với TP trực thuộc Thủ đô cần tăng tính chủ động sáng tạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND, tổ chức chính quyền địa phương thuộc Thủ đô sao cho năng động, hiệu quả.

Liên quan đến phân cấp, ủy quyền, ngoài việc ủy quyền theo nguyên tắc chung quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương thì dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mở rộng việc phân cấp, ủy quyền của UBND TP Hà Nội. Trong đó, quy định UBND TP Hà Nội phân cấp hoặc uỷ quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã…

Quá trình xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để đảm bảo đồng bộ với các quy định hiện hành như Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy trong mô hình chính quyền đô thị

Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phải có sự phân biệt giữa đô thị lõi và đô thị vệ tinh, với các vùng lân cận. Ảnh minh hoạ

"Luật tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rất rõ về phân cấp, uỷ quyền, vì vậy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ nên quy định các vấn đề khác nhau, trong đó chú trọng các quy định mang tính phân quyền tối đa để tạo thuận lợi cho TP Hà Nội”- PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh nói.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phải linh hoạt; Có sự phân biệt giữa đô thị lõi (Thủ đô) và đô thị vệ tinh, với các vùng lân cận không thuộc Thủ đô.

Theo đó, chính quyền đô thị có thể tổ chức theo những mô hình khác nhau. Đặc trưng nhận diện là có cơ quan đại diện để quyết định cách thức thực thi các thẩm quyền tự quản. Bên trong các đô thị tự quản có thể phân chia các cấu trúc hành chính khác, là đơn vị chính quyền đầy đủ (có cơ quan đại diện) hoặc không đầy đủ - tuỳ theo nhu cầu của đô thị đó.

Lấy ví dụ các TP lớn như Paris, Lyon, Marseille của Pháp là điển hình về tổ chức chính quyền đô thị linh hoạt, PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh nêu quan điểm, việc tổ chức chính quyền Thủ đô Hà Nội theo những cách đa dạng, không đồng nhất mô hình chung là phù hợp với tự quản của đô thị. Cụ thể hơn, ở cấp phường không nhất thiết cần có đầy đủ các cơ quan như một chính quyền địa phương...

Đô thị hóa là nhu cầu, cũng là xu hướng mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới hiện nay. Do đó, tổ chức chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả là vấn đề đang được quan tâm ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Hiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang tiếp tục được lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để từng bước hoàn thiện, nhằm sớm thực hiện thành công các mục tiêu nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật