A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao từ Pharmacity, Long Châu, An Khang tăng tốc đầu tư đến Wincommerce, Viettel tham vọng tiến quân vào bán lẻ dược phẩm?

Năm 2022, các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn như Pharmacity, Long Châu, An Khang tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng. Nhiều công ty mới cũng bước chân vào thị trường, bao gồm Wincommerce và Viettel.

Dẫn nguồn từ hãng phân tích Economist Intelligence Unit (EIU), Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD (tăng 9,6% so với cùng kỳ) vào năm 2021.

Trong giai đoạn 2017- 2021, doanh thu dược phẩm tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép đạt mức 7,4%. EIU dự báo tốc độ tăng trưởng này sẽ tăng lên 9,5% trong 5 năm tới, do chi tiêu cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ tăng cùng với thu nhập người dân tăng lên.

Xét theo từng kênh, kênh ETC (thuốc điều trị/thuốc kê đơn, có thể được sử dụng làm đại diện cho kênh bệnh viện) hiện đóng góp khoảng 75-76% tổng doanh thu trong 5 năm qua. Kênh OTC chiếm khoảng 25% tổng doanh thu.

Kể từ sau đại dịch Covid-19, các chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng tốc mở mới kể từ năm 2021 để giành thị phần từ các nhà thuốc truyền thống trong kênh OTC.

Theo IQVIA, Việt Nam có 55.300 cửa hàng thuốc vào năm 2016, trong đó 185 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại. Năm 2021, tổng số cửa hàng thuốc giảm xuống còn 44.600, nhưng số cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng lên con số 1.600.

Năm 2022, các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn như Pharmacity, Long Châu, An Khang tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng. Nhiều công ty mới cũng bước chân vào thị trường, bao gồm Wincommerce (sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart, với khoảng 3.000 siêu thị nhỏ) và Viettel (sở hữu mạng lưới bán lẻ với khoảng 370 cửa hàng viễn thông).

Vì sao từ Pharmacity, Long Châu, An Khang tăng tốc đầu tư đến Wincommerce, Viettel tham vọng tiến quân vào bán lẻ dược phẩm? - Ảnh 1.

Vì sao các doanh nghiệp lớn đều đang đặt cược vào thị trường bán lẻ dược phẩm hiện đại? SSI Research cho rằng có những lý do chính.

Kiểm soát chặt chẽ hơn các loại thuốc kê đơn

Ngày 07/09/2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4041/QĐ-BYT về việc kiểm soát kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Theo đó, các nhà thuốc chỉ được bán thuốc kê đơn cho người bệnh có đơn để tránh tình trạng lạm dụng thuốc, nhất là đối với trường hợp thuốc kháng sinh.

Theo Bộ Y tế, trước năm 2017, lần lượt 88% và 91% thuốc kháng sinh ở khu vực thành thị và nông thôn được bán cho người bệnh không có đơn bác sĩ, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Thuốc kháng sinh lần lượt chiếm 13% và 19% doanh thu nhà thuốc ở khu vực thành thị và nông thôn.

Ngày 15/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2020/NĐCP tăng mức phạt hành vi “bán thuốc kê đơn mà không có đơn” (từ 200.000-500.000 đồng lên 5-10 triệu đồng, thậm chí ngừng hoạt động cơ sở bán thuốc), khiến các nhà thuốc nhỏ lẻ kém cạnh tranh hơn và buộc một số nhà thuốc phải đóng cửa.

Tuy nhiên, với hơn 50.000 cửa hàng thuốc trên khắp Việt Nam, tình trạng này hiện vẫn rất khó để kiểm soát việc tuân thủ.

Triển khai việc kê đơn điện tử

Theo Thông tư 27/2021/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 20/12/2021 và có hiệu lực ngày 15/02/2022, các cơ sở khám bệnh, nhà thuốc bệnh viện và kênh nhà thuốc phải áp dụng kê đơn điện tử trước thời hạn 30/6 với bệnh viện từ cấp 1-3, các bệnh viện hoặc cơ sở y tế khác là trước 1/12/2022.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc triển khai thực hiện, ngày 12/7/2022, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 04/2022 / TT-BYT (có hiệu lực ngày 15/9/2022) để gia hạn thời gian triển khai đơn thuốc điện tử thêm 6 tháng.

Các hiệu thuốc thương mại hiện đại thuộc các chuỗi bán lẻ lớn được trang bị hệ thống ERP, nên có thể nhanh chóng thích ứng với quy định mới. Điều này sẽ giúp các hiệu thuốc này giành được thị phần từ các hiệu thuốc nhỏ, khi các hiệu thuốc nhỏ có thể bị mất khách hàng do hệ thống kiểm soát nội bộ không kịp thời kết nối với hệ thống kê đơn điện tử.

Hạn chế nguồn cung thuốc

Chậm trễ trong việc phê duyệt đăng ký thuốc mới hay gia hạn thuốc cũ làm hạn chế nguồn cung, thúc đẩy quá trình hợp nhất thị trường của các chuỗi nhà thuốc thương mại hiện đại.

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, các vụ điều tra gia tăng trong ngành y tế Việt Nam và tình trạng thiếu lao động đã khiến quá trình phê duyệt thuốc mới và gia hạn thuốc cũ của Cục Quản lý Dược (DAV) bị trì hoãn.

Với nguồn cung thuốc eo hẹp, các nhà thuốc thương mại hiện đại với khả năng tài chính mạnh và khả năng thương lượng tốt hơn, đã có thể đảm bảo đủ nguồn hàng từ các công ty dược, trong khi các nhà thuốc truyền thống phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng tồn kho.

Thay đổi do Covid-19

SSI Research cho biết đại dịch Covid-19 đã giúp kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện trong do việc hạn chế việc thăm khám tại bệnh viện. Kể từ khi bùng phát dịch vào năm 2020, số lượt thăm khám tại bệnh viện giảm do các biện pháp giãn cách cách xã hội. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu dược phẩm trong kênh bệnh viện, nhưng đã tạo cơ hội cho kênh nhà thuốc thu hút được những khách hàng mới phải tự mua thuốc.

Ngoài ra trong bối cảnh nhiều vấn đề pháp lý, các bệnh viện công đã trở nên thận trọng hơn khi đấu thầu thuốc. Từ đầu năm 2022, đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến đấu thầu cung cấp thuốc và thiết bị y tế cho các bệnh viện. Do đó, các bệnh viện đã thận trọng hơn rất nhiều khi tham gia các gói thầu mới, dẫn đến tình trạng thiếu một số loại thuốc và thiết bị y tế.

Vì vậy bệnh nhân đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế thông qua các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn trên thị trường hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật