A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết đến ăn uống thả phanh nhưng nếu thấy cổ họng có 1 biểu hiện, khẩn cấp đến bệnh viện ngay

Chế độ ăn uống trong những ngày Tết thường không được chỉn chu như bình thường dẫn đến khả năng bị dị ứng thức ăn sẽ tăng cao, nhất là trẻ em. Đáng nói, dị ứng thức ăn gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Dị ứng thức ăn là phản ứng của cơ thể đối với một số chất có trong thức ăn. Trong y khoa, các chất này được gọi là dị nguyên. Những dị nguyên (protein) phổ biến nhất là sữa bò, sữa đậu nành, trứng, hạt lạc, lúa mì, đậu tương, cá, tôm cua,...

Tỷ lệ dị ứng thức ăn ở người lớn là 2-4% và trẻ em là 6-8%. Tỷ lệ này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.

Nguyên nhân gây dị ứng thức ăn ở trẻ

Nguyên nhân chính gây ra dị ứng thức ăn là các chất protein không dễ bị phân huỷ bởi các men phân cắt protein như protease và không dễ dàng bị biến tính bởi nhiệt độ.

Các phân tử protein này kết hợp với các IgE trong dịch tiết, trong máu rồi chúng lại tiếp tục được gắn với các dưỡng bào- là những tế bào có rất nhiều điểm tiếp nhận với IgE.

Sự kết hợp mang tính đồng loạt, mạnh mẽ này đã làm vỡ một số lượng lớn những tế bào dưỡng bào, giải phóng ra một nồng độ cao các chất trung gian hoá học, đặc biệt là các histamin. Những chất trung gian này bắt đầu gây ra những biến đổi cơ thể, là cơ sở của bệnh dị ứng.

Tết đến ăn uống thả phanh nhưng nếu thấy cổ họng có 1 biểu hiện, khẩn cấp đến bệnh viện ngay - Ảnh 1.

Dị ứng thức ăn gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, thậm chí là tử vong

Các biểu hiện của dị ứng thức ăn

Dị ứng thức ăn xảy ra ngay cả khi dung nạp thực phẩm vào cơ thể ở một lượng rất nhỏ. Phản ứng này có thể là nhẹ, thoáng qua nhưng đôi khi lại gây ra tình trạng bệnh lý trầm trọng, thậm chí là tử vong.

Các triệu chứng dị ứng thức ăn thường gặp là: Sưng, ngứa họng, miệng; đau bụng; buồn nôn và nôn; tiêu chảy; hoa mắt, chóng mặt; da nổi ban đỏ và ngứa,… Trường hợp nặng hơn sẽ bị khó thở, huyết áp giảm, thậm chí tử vong...

Thông thường, dị ứng sẽ xuất hiện khoảng vài phút đến vài giờ sau khi ăn. Nhưng cũng có một số trẻ, triệu chứng xảy đến muộn tới vài ngày như bị hen, ho dai dẳng, chảy nước mũi, viêm mũi dị ứng, biếng ăn, táo bón, ngủ kém, ra mồ hôi,…

Phân biệt dị ứng thức ăn và không chấp nhận thực phẩm

Một số người sau khi sử dụng một loại thức ăn lạ nào đó sẽ bị một số triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt,…Và mọi người thường mặc định là bị dị ứng thực phẩm. Song, điều này không hoàn toàn chính xác. Bên cạnh dị ứng thực phẩm, còn có hiện tượng gọi là "không chấp nhận thực phẩm". Hai hiện tượng này khác nhau như sau:

Dị ứng thực phẩm: Là một đáp ứng miễn dịch. Các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, khó thở,…xuất hiện ngay cả khi chỉ ăn lượng thực phẩm rất nhỏ.

Tết đến ăn uống thả phanh nhưng nếu thấy cổ họng có 1 biểu hiện, khẩn cấp đến bệnh viện ngay - Ảnh 2.

 

Không chấp nhận thực phẩm: Thường là đáp ứng của hệ tiêu hóa với thực phẩm hơn là đáp ứng của hệ miễn dịch. Các triệu chứng khó chịu xuất hiện chỉ khi ăn một lượng lớn thực phẩm, các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với dị ứng thực phẩm và không gây hại đến sức khoẻ.

Tùy vào cơ địa, một số người có thể có tính không chấp nhận thực phẩm với bất kỳ thực phẩm nào như bia, rượu, cà phê, phụ gia thực phẩm,…Tính không chấp nhận thực phẩm phổ biến hơn so với tính dị ứng thực phẩm.

Dị ứng thức ăn có thể phòng tránh được?

Nên tìm hiểu kỹ về thực phẩm được sử dụng để tránh ăn phải những thành phần bản thân bị dị ứng.

Khi ăn ở nhà hàng nên cẩn thận lựa chọn thức ăn và phải chắc chắn rằng bữa ăn không chứa những thực phẩm gây dị ứng với cơ thể. Nếu thường xuyên bị dị ứng thức ăn, có thể gặp bác sĩ để được kê đơn sử dụng epinephrine khẩn cấp nếu tình trạng dị ứng xảy ra nghiêm trọng.

Tết đến ăn uống thả phanh nhưng nếu thấy cổ họng có 1 biểu hiện, khẩn cấp đến bệnh viện ngay - Ảnh 3.

Trẻ em dễ bị dị ứng thức ăn hơn so với người lớn

Đối với trẻ em, dựa vào tiền sử gia đình để xác định nguy cơ dị ứng ở trẻ ngay từ khi mang thai. Nếu trẻ có nguy cơ cao thì nên sử dụng các phương pháp phòng ngừa dị ứng qua chế độ ăn thường ngày:

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu nhằm loại bỏ các dị nguyên thức ăn trong chế độ ăn của mẹ đang cho con bú.

Không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi. Khi trẻ ăn dặm nên làm quen với các loại thức ăn từ từ, mỗi tuần nên sử dụng 1 loại thức ăn mới để theo dõi và tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: lòng trắng trứng, lạc, hải sản (tôm, cua, sò điệp khô và tươi)…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật