Shark Bình: Bây giờ không thể giám sát nhân sự như quản đốc với công nhân, cái tài ở chỗ trả lương xứng đáng và được việc cho mình!
Với 20 năm khởi nghiệp trong ngành công nghệ, liệu Shark Bình có quan điểm thế nào về làn sóng sa thải, về ChatGPT?
Thời gian gần đây “làn sóng sa thải” trở thành từ khoá được nhiều người quan tâm, đặc biệt là hội làm công ăn lương. Trong đó ngành nghề đối diện với nhiều nguy cơ nhất là công nghệ. Chỉ trong vài tháng đầu năm 2023, hàng trăm nghìn người Mỹ làm việc trong lĩnh vực này bị mất việc.
Ở Việt Nam, chưa có thống kê hay con số cụ thể nào nhưng những lo lắng trước làn sóng sa thải là rất rõ ràng. Khi tìm kiếm từ khoá “làn sóng sa thải” trên Google, đã có những kết quả gợi ý liên quan đến tình hình nhân sự trong nước.
Vậy nhân sự nào sẽ đứng vững trước bão sa thải?
Nếu chẳng may lọt vào “danh sách đen”, nhân sự cần phải làm gì?
Sự xuất hiện của ChatGPT ở thời điểm này có mối liên hệ gì với làn sóng sa thải?
…
Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT tập đoàn NextTech.
Đầu tiên, có một cái mà chúng ta phải thừa nhận là ngành công nghệ trong những năm gần đây bị khủng hoảng đường lối phát triển, khủng hoảng ý tưởng. Giống như khoảng 5 năm đổ lại, phim Hollywood cứ nhàn nhạt, nhàm chán thì ngành công nghệ trong những năm gần đây cũng chưa có sáng tạo đột phá. Trong khoảng 10 năm qua cái đột phá lớn nhất của ngành công nghiệp CNTT là phong trào chuyển đổi số, cái gì cũng có App, từ gọi xe đến giao hàng, đi chợ hộ đến app khám bệnh, học tập cho đến dịch vụ công... gần như mọi khía cạnh đời sống đều có sự chuyển đổi số. Sau làn sóng chuyển đổi số thì ngành công nghệ gần như bị tắc ý tưởng. Khi hết cái để làm thì nhu cầu về nhân sự khựng lại, thậm chí xuống dốc. Một ví dụ rất đơn giản thế này, trong ngành dệt may, khi con người thừa quần áo để mặc, thừa giày để đi thì người ta không mua nữa. Khi nhu cầu không còn thì công nhân không có việc để làm. Ngành công nghệ cũng vậy, khi app gì cũng có rồi thì tự nhiên nhu cầu nhân sự sụt giảm thôi.
Trong khi đó mấy năm qua, nhất là giai đoạn Covid-19, nhu cầu của ngành công nghệ rất cao. Ai cũng phải ở nhà, làm việc và học tập từ xa nên ai cũng bảo “Ôi cái này phải công nghệ, phải làm việc từ xa”. Bây giờ ta quay trở lại cuộc sống bình thường cũ thì nhu cầu sử dụng các ứng dụng ông nghệ không còn nhiều như trước nữa.
Nếu chúng ta nhìn nhận dưới nguyên nhân như thế thì có thể nói rằng làn sóng sa thải ồ ạt trong thời gian gần đây đến từ sự “khủng hoảng thừa” của lĩnh vực công nghệ thông tin.
Có một cái cần làm rõ là NextTech là một tập đoàn ứng dụng công nghệ với chiến lược trọng tâm là “điện tử hóa thương mại”. Chúng tôi tự định vị mình không phải là một tập đoàn công nghệ thuần túy, nghĩa là chuyên đi làm sản phẩm công nghệ, phần mềm, ứng dụng,... cho các ngành khác. Thay vào đó NextTech là một tập đoàn chuyển đổi số đời sống, tức là kinh doanh các dịch vụ đời sống nhưng lấy công nghệ làm cốt lõi.
Vì vậy bản chất của nhân sự công nghệ ở NextTech phục vụ cho chính nhu cầu của tập đoàn, không phục vụ nhu cầu thị trường ngoài kia. Chính các nền tảng của NextTech luôn cần liên tục nâng cấp, phát triển để phục vụ sâu hơn, tốt hơn, định hướng phân tích dữ liệu kỹ hơn. Vì vậy nhu cầu nhân sự công nghệ của chúng tôi không có sự trồi sụt bất thường, cũng không bị ảnh hưởng bởi nhu cầu của thị trường nhân sự công nghệ thông tin giống như các công ty công nghệ thuần túy.
Là một lãnh đạo, anh thấy những nhân sự thế nào có khả năng vượt qua làn sóng sa thải này?
Thứ nhất là đối tượng nhân sự có chuyên môn sâu, có trình độ cao trong từng lĩnh vực ngành dọc mà họ đang làm. Trong các cuộc khủng hoảng, doanh nghiệp luôn phải giữ lại bộ khung có năng lực chuyên môn cao nhất.
Thứ 2 là những người có thể làm nhiều đầu việc, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, hay gọi là full-stack dùng để chỉ những người có đa năng nhiều kỹ năng khác nhau. Ví dụ ở NextTech, nếu có người nghỉ, trước khi nghĩ đến tuyển thay thế thì chúng tôi tìm xem có ai có thể gánh thêm công việc của người vừa nghỉ, tất nhiên là kèm theo các đãi ngộ như tăng lương hoặc phụ cấp. Điều này nhấn mạnh rằng nhân sự phải liên tục học hỏi thêm kỹ năng, chuyên môn mới gần sát để nâng tầm bản thân.
Nhóm đối tượng thứ 3 khó bị sa thải là những chuyên gia phân tích, khai phá dữ liệu và tự động hoá sử dụng trí tuệ nhân tạo. Như tôi đã nói ở trên, ngành công nghệ đang chững lại và khai phá dữ liệu và trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng tiếp theo đẩy giới hạn của loài người thêm một bước xa hơn nữa. Chúng ta có thể thấy ChatGPT là một tín hiệu. Về bản chất, ChatGPT chính là sản phẩm của khai phá dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Bạn có viết ra một con AI thông minh bằng trời mà nó không có dữ liệu khổng lồ để khai phá thì cũng chỉ là thứ vô tri vô giác.
Tóm lại, đó là 3 đối tượng mà tôi nghĩ là họ sẽ tìm được cơ hội thăng tiến và phát triển về mặt thu nhập trong thời điểm hiện tại. Còn những người không có quá nhiều khác biệt, không có chuyên môn sâu sắc ví dụ như các lập trình viên gia công phần mềm, tương đối junior (nhân sự có kiến thức cơ bản nhất định, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế) hay entry-level (vị trí tuyển dụng không đòi hỏi kinh nghiệm việc làm), các chuyên gia công nghệ bảo thủ, chỉ biết cái chức năng của mình mà không chịu mở mang, phát triển bản thân,... Hiện tại các ứng dụng đã có rất nhiều dữ liệu rồi, nếu không biết cách khai phá dữ liệu đấy để ra thành thông tin, phần mềm thông minh và có ý nghĩa hơn thì cũng sẽ bị đào thải.
Đầu tiên là sẽ hạn chế tăng trưởng chi phí, tiết kiệm. Thứ 2 là tinh giản bộ máy về 1 bộ khung đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của thị trường, chẳng hạn như cộng gộp các vị trí và một người làm nhiều việc. Thứ 3 là xu hướng tận dụng công cụ và tự động hoá để thay thế cho con người.
Nếu chẳng may bị sa thải, nhân viên nên làm gì để xoay xở? Shark có lời khuyên nào cho họ không?
Tôi có 2 hướng gợi ý thế này, chủ yếu là cho nhân sự công nghệ. Thứ nhất, nếu họ vẫn muốn gắn bó với ngành công nghệ thì phải đi theo các quy luật như tôi vừa nói là trở nên đa năng hơn hoặc đi chuyên sâu hơn về hướng khai phá dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Vì tôi cho rằng đó là xu hướng chính của nhân lực công nghệ trong thời gian tới.
Thứ 2 là họ có thể đầu quân cho các ngành công nghiệp và kinh tế truyền thống. Tức là họ lựa chọn chuyển sang các lĩnh vực khác hoặc nghề nghiệp khác nhưng lấy sự hiểu biết và năng lực của mình về công nghệ để tối ưu hoá nghề nghiệp mới. Ví dụ một người trước đây làm lập trình nhưng vì làn sóng sa thải mà phải chuyển sang làm kinh doanh, bán hàng gì đó. Mặc dù họ sẽ phải học các kỹ năng kinh doanh nhưng vì có kỹ năng lập trình cơ bản mà họ sẽ khác biệt so với những người bán hàng không giỏi lập trình. Chẳng hạn họ có thể viết những con bot tìm ra được danh sách khách hàng tiềm năng, giúp cho bán được nhiều đơn hàng, kinh doanh phát triển.
Bên cạnh đó có những nhân viên không bị sa thải nhưng cũng nhấp nhổm nhận việc bên ngoài, làm nhiều việc một lúc. Người quản lý nên có quy định hay ràng buộc nào về chuyện này không?
Với những nhân sự có thể làm nhiều việc, đảm nhận nhiều vị trí trong công ty thì người quản lý nhân sự phải biết cách tận dụng họ, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp vừa tăng mức thu nhập cho nhân sự của mình, từ đây tạo nên sự gắn bó giữa 2 bên.
Với nhân sự nhận việc bên ngoài thì nhà quản lý cũng không thể ngăn cấm được, thậm chí cũng không thể biết và quản lý được. Vì vậy nó phụ thuộc vào cái tài của nhà quản lý, phân công công việc như thế nào để xứng đáng với mức lương của nhân sự và cũng được việc cho mình. Trong thế giới hiện nay, không thể giám sát một người làm việc như quản đốc giám sát công nhân làm việc ở các nhà máy trước đây được. Nói chung là khó.
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng ChatGPT có thể là “phát súng” mở đầu cho làn sóng tiếp theo trong công nghệ. Như tôi có nói khi làn sóng app hoá đến ngưỡng, bị chững lại thì trí tuệ nhân tạo sẽ là cuộc cách mạng tiếp theo. Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến kịch bản hiện thực hoá các phim khoa học viễn tưởng với cảnh tượng chỉ 1 - 2 con người đi đi lại lại rồi nói chuyện với AI để vận hành cả một nhà máy, một tàu vũ trụ hay một trạm thiên văn,... Đấy là điều tất yếu tiếp theo của ngành Công nghệ thông tin, vấn đề chỉ là làm trong bao lâu và ai làm được mà thôi.
Hoàn toàn có thể. Ví dụ khi có Google Search, nó gần như “tiêu diệt” ngành thư viện. Bây giờ người ta toàn lên Google tìm kiếm chứ có mấy ai lên thư viện nữa đâu? ChatGPT cũng vậy, tôi nghĩ nó có thể tiêu diệt một số công việc hoặc vị trí công việc ở mức độ đơn giản và sơ khai. Ví dụ một kỹ sư nông nghiệp, lập trình viên hay marketing mà kiến thức và kỹ năng ở mức nông nông,... đều có thể bị thay thế. Hoặc các bạn copywriter chẳng hạn, chỉ cần nhập vào “Viết cho tôi đoạn quảng cáo thế này thế kia” và nó viết được luôn thì người làm nghề này ở mức nông đều có thể bị mất việc.
Tôi tưởng tượng ChatGPT sẽ không xóa sổ các ngành theo chiều dọc mà theo chiều ngang. Tất cả mọi công việc ở mức nông cạn của mọi ngành nghề đều có thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.
Đúng. Nó sẽ đem đến nhiều cơ hội, sẽ phục vụ cho chính những con người mà bị mất việc đấy. Một mặt ChatGPT tước đi công việc của người ta nhưng một mặt cho lại người ta cái quyền sử dụng bản thân nó như 1 vũ khí để bước vào một thế giới mới với rất nhiều ngành nghề mới. Dễ hình dung hơn thì bây giờ bất kỳ ai trong chúng ta cũng có một người thầy cá nhân, có thể hiểu biết về thế giới một cách nhanh nhất mà không phải đi tìm, lần mò giống như đi search Google như ngày trước. ChatGPT sẽ nâng nền tảng hiểu biết về nhân loại, về thế giới của một con người lên một mức độ cao hơn. Đó là sự có đi có lại.
Về các nghề nghiệp mới mà ChatGPT hay trí tuệ nhân tạo có thể đẻ ra thì cần thêm thời gian để chiêm nghiệm và đánh giá, tôi cũng không thể đưa ra nhận định ngay được.
Thật ra những người khôn ngoan sẽ biết sử dụng nó. Ví dụ với nhân sự trong ngành công nghệ như lập trình viên, người ta sẽ biết cách sử dụng ChatGPT như là công cụ để làm cho năng suất làm việc trở nên cao hơn. Nếu tôi là 1 nhân viên lập trình, trước đây tôi phải tự viết từng dòng lệnh của từng task, từng nhiệm vụ dù đơn giản nhất thì bây giờ tôi có thể phân rã thành các nhiệm vụ đơn giản rồi đưa cho ChatGPT để nó code thay cho mình. Như vậy nó làm tăng năng suất lao động của chúng ta lên nếu chúng ta biết cách tận dụng, coi nó như 1 vũ khí.
Shark nghĩ sao về quan điểm: Sự kết hợp giữa làn sóng sa thải và ChatGPT chấn chỉnh tinh thần làm việc của 1 bộ phận nhân sự? Ví dụ trước đây nhân sự này hơi ỷ lại, chưa tập trung thì bây giờ sẽ phải cố gắng hơn?
Chấn chỉnh được hay không sẽ phụ thuộc vào năng lực của nhà quản lý, phụ thuộc vào việc họ có tận dụng được cơ hội này để dọa nhân sự hay không. Bởi lẽ tôi đã nói ở trên, ChatGPT là 1 vũ khí nhưng tận dụng thế nào là do các con người sử dụng. Tại thời điểm hiện tại dù nó có tính ứng dụng trí tuệ nhân tạo cao nhưng vẫn chưa là 1 thực thể có thể tự tư duy thông minh và suy nghĩ, thay thế cho con người. Những kết quả mà ChatGPT đạt được dựa trên những điều mà con người đã có hiểu biết trước đó. Còn để tự tư duy, đẩy giới hạn của loài người ra xa hơn thì những công nghệ này vẫn chưa xử lý được.
Cảm ơn Shark vì những chia sẻ!