Chỉ 11 tháng, Trung Quốc và Việt Nam giao dịch 203 tỷ USD, riêng ‘hoa thơm quả ngọt’ đạt 6,3 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam duy trì mức tăng trưởng ổn định trong 11 tháng đầu năm nay.
Tân Hoa Xã dẫn báo cáo của Tổng cục Hải quan (Trung Quốc) nêu: Thương mại hàng hóa giữa hai nước đạt 1,45 nghìn tỷ nhân dân tệ ( khoảng 203,73 tỷ USD , 1 nhân dân tệ ~ 0,14 USD) từ tháng 1 đến tháng 11, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ riêng trong tháng 11, thương mại song phương đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục hàng tháng là 161,92 tỷ nhân dân tệ.
Kể từ năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, với thương mại song phương chiếm 25% tổng thương mại của Trung Quốc với khối này trong 11 tháng đầu năm 2023.
Hai nước đã ghi nhận sự hợp tác công nghiệp và chuỗi cung ứng ngày càng chặt chẽ trong những năm gần đây. Trong 11 tháng 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa trung gian đạt 1,01 nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm 69,8% thương mại Trung Quốc-Việt Nam trong giai đoạn này.
Hai nước còn có không gian hợp tác rộng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong 11 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 44,62 tỷ nhân dân tệ nông sản Việt Nam ( khoảng 6,3 tỷ USD ) tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, rau củ, trái cây ôn đới của Trung Quốc cũng được thị trường Việt Nam đón nhận. Trung Quốc xuất khẩu 34,31 tỷ nhân dân tệ nông sản sang Việt Nam trong cùng thời gian, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Wang Xin, một quan chức tại trạm kiểm soát cửa khẩu xuất nhập cảnh Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, cho biết: “Kể từ đầu mùa đông, trái cây và rau quả sản xuất tại tỉnh Vân Nam đã bước vào mùa xuất khẩu cao điểm và được thị trường Việt Nam ưa chuộng”.
Đông Hưng, một thành phố ở biên giới Trung Quốc với Việt Nam, là một ví dụ điển hình về thương mại nông nghiệp mở rộng nhanh chóng giữa hai quốc gia láng giềng trong những năm gần đây.
Thống kê do thành phố với dân số 200.000 người công bố cho thấy khối lượng giao dịch với Việt Nam đạt 19,2 tỷ nhân dân tệ (2,68 tỷ USD) trong 10 tháng từ đầu năm 2023, tăng 161% so với cùng kỳ năm ngoái, China Daily nêu.
Hầu hết các giao dịch đều liên quan đến nông sản, từ trái cây nhiệt đới đến thủy sản.
Thương mại Việt Nam - Trung Quốc bùng nổ
Thương mại nông sản giữa hai nước bắt đầu bùng nổ sau khi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ký kết Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, có hiệu lực vào năm 2010, cho phép thương mại miễn thuế giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Sau khi Trung Quốc ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do với 14 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, có hiệu lực vào năm ngoái, phạm vi miễn giảm thuế quan đã mở rộng.
Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế ngay lập tức hoặc theo giai đoạn đối với 91,3% nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm hải sản đông lạnh, trứng và mật ong.
Trung Quốc đã cam kết thực hiện tương tự đối với 92,6% nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Quảng Tây đã đi đầu trong lĩnh vực thương mại này. Dữ liệu hải quan do Nam Ninh, thủ phủ khu vực, công bố cho thấy thương mại Việt Nam-Quảng Tây đạt khoảng 223 tỷ nhân dân tệ trong 11 tháng đầu năm nay, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cheng Yingchao, một quan chức hải quan ở Nam Ninh, nói với China News Service rằng đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2016.
Trong cùng thời gian, nhập khẩu nông sản từ Việt Nam tăng 57% so với cùng kỳ lên 7,49 tỷ nhân dân tệ.
Sầu riêng Việt Nam là món ăn mới được yêu thích ở Quảng Tây và trên khắp Trung Quốc. Loại trái cây nhiệt đới có gai này đã được cấp phép nhập khẩu vào tháng 7 năm 2022. Từ tháng 1 đến tháng 11, Quảng Tây đã mua sầu riêng trị giá 4,16 tỷ nhân dân tệ từ Việt Nam, gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp định RCEP đã tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới, thúc đẩy nhập khẩu nhiều loại trái cây của Việt Nam như chanh leo, chuối cũng như trái cây từ các nước khác trong khu vực.
Các số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc và Việt Nam trong những năm gần đây nổi lên là đối tác thương mại nông nghiệp quan trọng nhất của nhau và hai nước đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn trong RCEP.
Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, khối lượng thương mại nông sản giữa hai nước láng giềng đã tăng từ 2,1 tỷ USD năm 2010 lên 9,4 tỷ USD vào năm 2020.
Năm 2020, Trung Quốc đã mua nông sản trị giá gần 4 tỷ USD từ Việt Nam – nước sản xuất gạo, ngô, cà phê và cao su lớn – tăng từ mức 770 triệu USD một thập kỷ trước. Xuất khẩu nông sản của Trung Quốc sang nước láng giềng phía nam cũng tăng vọt trong giai đoạn này, từ 1,35 tỷ USD lên 5,49 tỷ USD.
Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ vào năm 2020, đồng thời là nguồn nhập khẩu chính vào thời điểm đó.
Theo Bộ Thương mại, buôn bán nông sản Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 chiếm 18% tổng kim ngạch thương mại, gấp đôi so với năm 2010.
Số liệu chính thức cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường nông sản lớn nhất của Việt Nam.