Thị trấn Đức cầu viện dầu Nga cứu nhà máy lọc dầu hấp hối
Một thị trấn ở Đức kêu gọi khôi phục nhập dầu Nga để cứu nhà máy lọc dầu sắp phá sản giữa lúc EU siết chặt trừng phạt Nga.
Đường ống dẫn dầu Druzhba từng đưa dầu của Nga đến Đức. Ảnh: Xinhua
Thị trấn Schwedt, nằm ở bang Brandenburg phía đông bắc nước Đức, đang rơi vào khủng hoảng kinh tế khi nhà máy lọc dầu PCK - nguồn sống của hàng nghìn lao động địa phương - bị đẩy vào cảnh thua lỗ vì mất nguồn cung dầu từ Nga.
Các lãnh đạo địa phương tại Schwedt đang kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận dầu của Nga - điều từng được xem là không thể bàn lùi trong chính sách năng lượng của EU. Lý do rất thực tế: Nhà máy lọc dầu hoạt động không đủ công suất, đang lỗ nặng và có thể sớm phải sa thải hàng loạt nhân công.
Nhà máy PCK Schwedt từng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng của Đức, đảm bảo hơn 90% lượng dầu cho thủ đô Berlin. Trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực năm 2022, nơi này nhận dầu thô Nga qua đường ống dẫn dầu Druzhba - một tuyến năng lượng mang tính biểu tượng từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, sau khi châu Âu đồng loạt cấm vận dầu Nga vì xung đột ở Ukraina, nhà máy PCK phải chuyển sang các nguồn thay thế, chủ yếu qua đường biển từ Kazakhstan hoặc Trung Đông. Dù vậy, theo ông Danny Ruthenberg - Chủ tịch Hội đồng Công nhân của nhà máy, công suất hiện chỉ đạt 80%, không đủ để duy trì hiệu quả tài chính.
“Chúng tôi đang hoạt động trong vùng đỏ. Nếu tình hình không cải thiện, sa thải sẽ là điều không tránh khỏi” - ông Ruthenberg cảnh báo.

Với khoảng 30.000 cư dân, Schwedt không phải một đô thị lớn. Nhưng gần 1/5 dân số ở đây phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nhà máy lọc dầu. Thị trưởng Annekathrin Hoppe thừa nhận: “Nhà máy là lý do Schwedt tồn tại. Nếu nó sụp đổ, thị trấn này sẽ không còn tương lai”.
Bà Hoppe khẳng định, sẽ kiến nghị lên chính phủ liên bang về việc nối lại nhập khẩu dầu khí Nga. “Chúng tôi không ủng hộ xung đột, nhưng từ lâu rồi Schwedt luôn có quan hệ tốt với Nga” - bà nói.
Cùng quan điểm, ông Ruthenberg cho rằng: “Khi hòa bình quay trở lại, đương nhiên phải buôn bán lại với Nga”.
Schwedt không phải là tiếng nói đơn độc. Tại nhiều nước EU khác như Slovakia, Hungary, Áo hay Bulgaria, các đảng đối lập và nhiều chuyên gia năng lượng đang công khai chỉ trích việc EU cấm dầu khí Nga là “tự hại mình”.
Trong bối cảnh giá năng lượng leo thang và nền kinh tế giảm tốc, làn sóng kêu gọi "nối lại dầu Nga" đang lan rộng.
Stefan Meister - chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, nhận định: “Sức ép sẽ còn gia tăng. Ngày càng có nhiều tiếng nói từ doanh nghiệp và chính trị gia địa phương yêu cầu quay lại nguồn cung giá rẻ từ Nga”.
Một số nguồn tin trong EU tiết lộ rằng, nếu Đức đi đầu trong việc nối lại nhập khẩu dầu khí Nga, hàng loạt quốc gia khác sẽ theo chân, từ Italy đến Cộng hòa Czech.
Phía Nga, từ lâu đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt năng lượng là “tự bắn vào chân”. Giá năng lượng ở châu Âu tăng vọt sau năm 2022, buộc nhiều quốc gia phải mua dầu và khí đốt từ các nguồn đắt đỏ hơn, thậm chí là mua gián tiếp từ Nga qua bên trung gian.