A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làn sóng rút vàng khỏi Âu-Mỹ giữa lúc giá vàng loạn nhịp

Trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia nhanh tay đưa vàng từ Mỹ và châu Âu về nước.

Làn sóng rút vàng khỏi Âu-Mỹ giữa lúc giá vàng loạn nhịp

Giá vàng thế giới đã tăng khoảng 24% từ đầu năm đến nay. Ảnh: Xinhua

Trong khi thế giới đang đối mặt với lạm phát, thuế quan từ Mỹ, xung đột địa chính trị và sự mất giá của đồng USD - vốn vừa có nửa đầu năm tệ nhất kể từ 1973, nhiều quốc gia đang tìm cách rút vàng khỏi các kho lưu trữ ở Mỹ và châu Âu để đưa về nước.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhiều Ngân hàng Trung ương ở các nước châu Âu như Đức, Italy đã bắt đầu xem xét đưa hàng trăm tấn vàng từ Mỹ và Anh về nước. Một số nước lớn khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Thụy Sĩ và Pháp cũng đã hoặc đang tiến hành hồi hương vàng.

Đức và Italy nằm trong số những quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất sau Mỹ, lần lượt nắm giữ 3.352 tấn và 2.452 tấn. Hơn 1/3 lượng vàng thỏi của họ được lưu trữ tại Mỹ. Làn sóng kêu gọi kiểm toán và minh bạch kho vàng Fort Knox ở Mỹ đang nổi lên khi nhiều người hoài nghi liệu toàn bộ số vàng có còn được bảo quản an toàn như tuyên bố.

Kho vàng tại Fort Knox, Mỹ. Ảnh: Trung tâm Dự trữ vàng bạc Mỹ
Kho vàng tại Fort Knox, Mỹ. Ảnh: Trung tâm Dự trữ vàng bạc Mỹ

Ấn Độ đã rút toàn bộ số vàng gửi tại London vào năm 2024. Thổ Nhĩ Kỳ có bước đi sớm từ năm 2018. Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Tài chính Berat Albayrak, Ankara đã rút khoảng 350 tấn vàng khỏi các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Anh và Thụy Sĩ, đưa về lưu trữ tại Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT).

Chỉ tính riêng tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), số vàng của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm từ 28,7 tấn (năm 2016) xuống bằng 0 (năm 2017). Đồng thời, toàn bộ 18,7 tấn vàng gửi tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ở Thụy Sĩ cũng được hồi hương.

Kết quả, dự trữ vàng của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 120 tấn (năm 2002) lên 488,9 tấn (cuối năm 2018) và tiếp tục vọt lên 719,2 tấn vào năm 2020. Động thái này giúp củng cố niềm tin vào nền kinh tế trong thời điểm biến động toàn cầu.

Theo số liệu mới nhất tuần tính đến ngày 20.6 từ CBRT, dự trữ vàng của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt 85,1 tỉ USD, vượt cả dự trữ ngoại hối chỉ còn 70,7 tỉ USD. Đây là bước ngoặt lớn nếu so với năm 2018, khi vàng chỉ chiếm 19,9 tỉ USD còn dự trữ ngoại hối là 71,9 tỉ USD.

Theo Diễn đàn Các thể chế tài chính chính thức (OMFIF), dự trữ vàng toàn cầu của các ngân hàng trung ương có thể vượt đỉnh lịch sử năm 1965 (38.000 tấn), cán mốc 38.300 tấn vào năm 2026.

Khi những biến động địa chính trị chưa có dấu hiệu dừng lại, vàng không chỉ là hàng hóa, mà đang dần trở thành “tấm khiên” kinh tế, tái định hình lại hệ thống tiền tệ toàn cầu, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước mở đường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật