A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo sóng thần 30m chực chờ dưới đáy biển ở vùng siêu động đất

Một trận động đất ở đới hút chìm Cascadia có thể kéo theo sóng thần cao tới 30m, đổ ập vào các cộng đồng ven biển chỉ trong 15-30 phút.

Cảnh báo sóng thần 30m chực chờ dưới đáy biển ở vùng siêu động đất

Ngày 26.12.2004, động đất mạnh 9,0 độ richter ngoài khơi Indonesia gây ra sóng thần 30m khiến gần 228.000 người thuộc 11 quốc gia từ châu Á tới châu Phi thiệt mạng. Ảnh: Xinhua

Bờ biển Tây Bắc Thái Bình Dương trải dài từ đảo Vancouver của Canada đến tận Bắc California (Mỹ) từ lâu đã bị ám ảnh bởi một “con quái vật” địa chất: Vùng đứt gãy hút chìm Cascadia.

Cơn ác mộng này được dự báo sẽ tạo ra một trận động đất mạnh đến kinh hoàng và kéo theo những cơn sóng thần cao như tòa nhà. Nhưng một nghiên cứu mới từ Đại học Washington vừa hé lộ một tia hy vọng: Có thể, thảm họa sóng thần mà ta lo sợ bấy lâu… không tồi tệ đến thế.

Vùng hút chìm Cascadia là nơi mảng Juan de Fuca đang từ từ trượt xuống dưới mảng Bắc Mỹ. Quá trình này chất chứa năng lượng trong hàng trăm năm, và đến khoảng 400-600 năm, nó sẽ giải phóng bằng một trận động đất mạnh cấp 9, giống như những gì từng xảy ra vào năm 1700.

Vấn đề không chỉ nằm ở rung chấn. Các nhà khoa học cảnh báo rằng một trận động đất Cascadia có thể kéo theo sóng thần cao tới 30m, đổ ập vào các cộng đồng ven biển chỉ trong vòng 15-30 phút.

Các trận sóng thần lớn nhất thường xuất phát từ loại đứt gãy gọi là megasplay fault - nơi lớp vỏ đại dương bị đội lên nhanh chóng và đột ngột, tạo ra các đợt sóng dữ dội. Trên khắp thế giới, những đứt gãy megasplay như vậy đã được xác nhận ở nhiều vùng hút chìm.

Từ lâu, giới địa chất học cho rằng Cascadia cũng sở hữu một megasplay kéo dài suốt 1.000km từ đảo Vancouver đến miền bắc California, và đây là nền tảng của nhiều kịch bản ứng phó thiên tai.

Ảnh: Bản đồ Quốc gia Mỹ
Vùng đứt gãy hút chìm Cascadia. Ảnh: Bản đồ Quốc gia Mỹ

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu từ Đại học Washington đã tiến hành “siêu âm” đáy biển bằng phương pháp địa chấn phản xạ, và kết quả khiến nhiều người ngỡ ngàng: Không hề có bằng chứng cho thấy megasplay fault trải dài toàn bộ khu vực Cascadia.

Các nhà nghiên cứu xác định được vài đoạn đứt gãy megasplay rải rác, ví dụ ngoài khơi bán đảo Olympic và một phần từ nam Washington đến bắc Oregon, nhưng những khu vực khác thì hoàn toàn vắng bóng.

Điều này đồng nghĩa rằng các vùng ven biển không có megasplay ngay ngoài khơi có thể ít bị tổn thương hơn so với dự báo ban đầu. Sóng thần sẽ nhỏ hơn, và thời gian từ lúc động đất xảy ra đến khi sóng ập vào bờ có thể kéo dài thêm vài phút - quý giá cho công tác sơ tán.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đây không phải là tin an toàn tuyệt đối. Vẫn có những đoạn megasplay đáng lo ngại. Và một trận động đất Cascadia vẫn có thể gây tàn phá diện rộng, đặc biệt với các cộng đồng ven biển nằm gần các khu vực đứt gãy nguy hiểm.

Cascadia vẫn là một "quả bom hẹn giờ" dưới đáy đại dương. Nhưng giờ đây, nhờ những dữ liệu mới, các nhà khoa học có thể tính toán chính xác hơn quy mô và tốc độ của cơn thịnh nộ mà nó mang lại. Khi thiên nhiên có thể bất ngờ, thì khoa học chính là cách duy nhất để con người đón đầu thảm họa thay vì bị cuốn trôi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật