Cú bẻ lái bất ngờ từ nội bộ EU về cấm khí đốt Nga
Trong khi EU đang ráo riết thực hiện kế hoạch cắt đứt hoàn toàn khí đốt Nga, một chướng ngại bất ngờ lại xuất hiện là Tây Ban Nha.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nga. Ảnh: TASS
Dù nổi tiếng là quốc gia đi đầu trong chuyển đổi xanh và ủng hộ Ukraina, Tây Ban Nha đang bị cáo buộc ngầm phá hoại kế hoạch cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga, theo tiết lộ từ nhiều nguồn ngoại giao EU với Politico.
Dự thảo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) - công bố ngày 17.6, ngay sau khi Nga tiến hành một cuộc tấn công dữ dội vào Kiev - yêu cầu chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu dầu, khí đốt qua đường ống và LNG của Nga trước cuối năm 2027. Kèm theo đó là những điều khoản siết chặt giám sát và minh bạch với các nhà nhập khẩu, nhằm cắt nguồn tài chính của Điện Kremlin.
Dù dự thảo được thiết kế khéo léo để tránh bị Hungary hay Slovakia phủ quyết, EU lại vấp phải sự phản đối bất ngờ từ Ủy viên phụ trách Khí hậu và Năng lượng xanh của EU - bà Teresa Ribera, người đến từ Tây Ban Nha.
Nhiều nguồn tin khẳng định bà Ribera đã vận động hành lang nhằm đưa thêm "cơ chế phanh khẩn cấp" vào quy định, cho phép quốc gia thành viên có thể trì hoãn lệnh cấm trong trường hợp "bất khả kháng". Văn phòng của bà gọi các cáo buộc này là “vô lý”, nhưng giới chức EU khẳng định nội tình còn rắc rối hơn những gì công luận biết.
Điều éo le là Tây Ban Nha luôn tự hào là quốc gia dẫn đầu châu Âu về năng lượng tái tạo, với mục tiêu đạt 81% năng lượng xanh vào năm 2030. Nhưng hiện Tây Ban Nha vẫn âm thầm nhập LNG Nga, với sản lượng tăng hơn gấp đôi từ năm 2021, theo nhà cung cấp tin tức và dữ liệu năng lượng quốc tế ICIS.

Nguyên nhân có thể là vì Naturgy - tập đoàn năng lượng lớn nhất Tây Ban Nha - đang vướng hợp đồng dài hạn với hãng Novatek của Nga đến tận năm 2042. Nếu đơn phương rút lui, Naturgy có thể phải bồi thường hàng trăm triệu euro.
Giám đốc điều hành Naturgy Francisco Reynés thậm chí đã gửi thư cảnh báo đích danh Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Thế nhưng, Tập đoàn TotalEnergies của Pháp - dù có hợp đồng tương tự - lại tuyên bố không gặp trở ngại gì nếu phải ngừng nhập khí đốt Nga và sẵn sàng thay thế bằng nguồn cung khác.
Một số chuyên gia cho rằng Madrid vẫn xem Mátxcơva là đối tác năng lượng “không đến nỗi tệ”, hoặc đơn giản là muốn giữ sự đa dạng hóa nguồn cung từ Mỹ, Nigeria, Algeria và Nga. Tuy nhiên, lập luận này dường như thiếu thuyết phục khi thị trường LNG toàn cầu đang bùng nổ, tạo ra nhiều lựa chọn thay thế.
Điều khiến EU bất an là hành động của Tây Ban Nha dường như không phù hợp với lời nói. Họ đang đặt tham vọng khí hậu và lợi ích kinh tế nội địa lên trên mục tiêu chung là làm suy yếu năng lực tài chính của Nga.