Indonesia: Hệ thống tuyển sinh mới gặp rắc rối
Với mục tiêu nâng cao công bằng và minh bạch trong tuyển sinh, hệ thống SPMB, phiên bản cải tiến của cơ chế tuyển sinh cũ PPDB tại Indonesia, vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ.
![]() |
SPMB chưa khắc phục được lỗi gian lận trong tuyển sinh. |
Các nhà quan sát, tổ chức giám sát và phụ huynh đều bày tỏ lo ngại khi các trục trặc kỹ thuật, gian lận và bất cập trong quản lý tiếp tục tái diễn như những năm trước, bất chấp cam kết từ Bộ Giáo dục Indonesia.
Hệ thống tuyển sinh đầu cấp mới (còn gọi là SPMB) được Bộ Giáo dục Tiểu học và Trung học công bố vào tháng 1/2024 nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống cũ (gọi là PPDB). Theo quy chế cũ, 50% chỉ tiêu được phân bổ theo khu vực cư trú gần trường, dẫn đến việc nhiều phụ huynh “lách luật”, làm giả thông tin cư trú để giành suất học tại các trường chất lượng cao.
Hệ thống mới sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách giảm tỷ lệ chỉ tiêu cho học sinh địa phương và tăng cho các đối tượng đặc biệt như học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật hoặc có thành tích học tập xuất sắc. Tuy nhiên, sự thay đổi cấu trúc này vẫn chưa chặn được gian lận.
Ngay sau khi mở tuyển sinh, cả nước ghi nhận nhiều trường hợp tiêu cực. Tại Banten, Phó Chủ tịch hội đồng tỉnh Budi Prajogo dính bê bối khi ký xác nhận vào hồ sơ một học sinh không quen biết. Mặc dù phủ nhận hành vi sai trái, ông vẫn bị cho thôi việc.
Tại Parepare (Nam Sulawesi), một nhóm điều tra đặc biệt được thành lập để làm rõ cáo buộc “mua chỗ học”. Trong khi đó, một học sinh bị hủy đơn xin học diện chính sách vì cha mẹ làm giả giấy tờ thu nhập.
Những vụ việc làm dấy lên lo ngại về hệ thống giám sát yếu kém. Cơ quan Thanh tra Indonesia thông tin các khiếu nại về làm giả hồ sơ, hối lộ và can thiệp chính trị vẫn phổ biến. Trong số hơn 500 địa phương trên cả nước, chỉ khoảng 100 đơn vị có lập bản đồ phân bổ chỉ tiêu hợp lý cho các chương trình tuyển sinh.
Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia (KPAI) cũng chỉ trích sự thiếu chuẩn bị từ các cơ quan giáo dục, đặc biệt là việc truyền đạt thông tin đến phụ huynh và xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến. Theo KPAI, những trục trặc kỹ thuật và gian lận không chỉ làm mất niềm tin, mà còn “vi phạm quyền được giáo dục công bằng của trẻ em”.
Trong khi những chỉ trích ngày càng gia tăng, ông Gogot Suharwoto, người phát ngôn của Bộ Giáo dục, vẫn giữ quan điểm rằng các vấn đề chỉ mang tính “cá biệt”. Ông cho rằng quá trình triển khai SPMB nhìn chung “diễn ra suôn sẻ” và mọi khó khăn “đã được xử lý nhanh chóng”. Đồng thời, ông kêu gọi các cơ quan địa phương mạnh tay với sai phạm, khẳng định Bộ đã có quy trình rõ ràng để xử lý và thu hồi quyền tuyển sinh nếu cần thiết.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định các giải pháp hiện nay chỉ mang tính chữa cháy và chưa chạm đến gốc rễ. Họ đề xuất cần có cơ chế giám sát độc lập, minh bạch hóa dữ liệu tuyển sinh, cải tiến hệ thống công nghệ và nâng cao năng lực quản lý của địa phương nếu không muốn SPMB chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Ông Aris Adi Leksono, ủy viên Bảo vệ Trẻ em Indonesia, nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi hệ thống là cần thiết, nhưng không thể dùng nó làm lý do cho sự buông lỏng quản lý hay lỗi kỹ thuật vốn có thể dự đoán trước”.