Điện hạt nhân ở châu Âu tê liệt vì nắng nóng
Nắng nóng cực đoan khiến một số nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu phải ngừng hoạt động.
Nhà máy điện hạt nhân Golfech, phía tây nam nước Pháp. Ảnh: AFP
Các nhà máy điện hạt nhân tại Thụy Sĩ và Pháp đã buộc phải dừng vận hành lò phản ứng để tránh việc nước làm mát xả ra gây hại cho hệ sinh thái của những con sông vốn đã nóng lên do thời tiết khắc nghiệt.
Đợt nắng nóng kỷ lục ở châu Âu đã làm nhiệt độ nước sông, nguồn dùng để làm mát tại một số nhà máy điện hạt nhân, tăng cao, buộc các nhà điều hành phải tạm dừng hoạt động ít nhất 3 lò phản ứng tại 2 địa điểm khác nhau.
Cuối tuần trước, 1 trong 2 lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Golfech ở miền nam nước Pháp đã được dừng hoạt động sau khi dự báo cho thấy nhiệt độ sông Garonne, nơi nhà máy lấy nước, có thể vượt quá 28 độ C.
Tại Thụy Sĩ, Nhà máy điện hạt nhân Beznau gần sông Aare, sát biên giới phía bắc, cũng lần lượt dừng 2 lò phản ứng vào ngày 1 và ngày 2.7.
Cả hai nhà máy điện hạt nhân này đều được thiết kế để làm mát lò phản ứng bằng nước sông, sau đó xả nước ở nhiệt độ cao hơn trở lại sông. Quy định ở cả Pháp và Thụy Sĩ yêu cầu giảm sản lượng điện khi nhiệt độ nước sông tăng cao, nhằm bảo vệ môi trường ở hạ lưu.
Nhà điều hành nhà máy Beznau, công ty Axpo, xác nhận rằng nhiệt độ đã liên tục vượt quá giới hạn 25 độ C trong vài ngày.
Một số lò phản ứng điện hạt nhân khác cũng sử dụng nước sông để làm mát, bao gồm nhà máy Bugey ở đông nam nước Pháp, cũng đã giảm sản lượng. Tuần này, nhiệt độ nhiều nơi trên khắp châu Âu đã thường xuyên vượt ngưỡng 38 độ C.
Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ và châu Âu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1980, khi biến đổi khí hậu chưa được tính đến trong thiết kế. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, các đợt dừng hoạt động phòng ngừa do thời tiết nóng cũng ngày càng thường xuyên.
Điện hạt nhân là nguồn năng lượng lớn nhất của Pháp, với 18 nhà máy cung cấp gần 2/3 nhu cầu điện của cả nước. Tại Thụy Sĩ, điện hạt nhân chiếm khoảng 1/3 tổng lượng năng lượng tiêu thụ.
Năm 2022, một đợt nắng nóng kết hợp với việc sụt giảm năng lực phát điện đã buộc cơ quan hạt nhân Pháp phải tạm thời nới lỏng quy định về nhiệt độ nước thải tối đa. Tương tự, trong năm đó, nhà máy Beznau tại Thụy Sĩ vẫn tiếp tục hoạt động dù nhiệt độ sông Aare tăng cao.
“Đây là lần đầu tiên nhà máy phải ngừng hoạt động vì nhiệt độ nước. Năm 2022, dù nước sông Aare rất nóng, nhà máy vẫn tiếp tục vận hành vì nguồn cung điện khi đó không cho phép dừng" - đại diện Cơ quan Năng lượng Liên bang Thụy Sĩ cho biết.