A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch Việt Nam đón tín hiệu khả quan từ kỳ nghỉ lễ

Dịp lễ Quốc khánh 2.9 khép lại, nhiều địa phương đạt doanh thu hàng nghìn, hàng trăm tỉ đồng.

Du lịch Việt Nam đón tín hiệu khả quan từ kỳ nghỉ lễ

Du khách quốc tế chụp ảnh kỷ niệm trên Cầu Vàng, Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Hà

Du lịch đường bộ lên ngôi

Giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 20% vào dịp cao điểm, ảnh hưởng đến quyết định du lịch của du khách. Theo ghi nhận của Lao Động tại các doanh nghiệp, du khách có xu hướng đi bằng xe ôtô, tàu hỏa, chọn điểm đến gần…

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, nhận định năm nay phần lớn khách du lịch chọn nghỉ dưỡng, du lịch tại các khu, điểm du lịch xung quanh ngoại thành Thủ đô Hà Nội có xu hướng tăng đột biến.

Bên cạnh đó, sau khi hàng loạt cao tốc đi vào hoạt động, xu hướng du lịch tự túc bằng xe riêng ngày càng mạnh mẽ. Điều này thể hiện ở lượng khách đến Bình Thuận tăng gấp 3 trong kỳ nghỉ vừa qua. Lượng xe di chuyển vào đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây rất đông, kẹt xe kéo dài trong ngày đầu kỳ nghỉ lễ.

Đặc biệt, xu hướng đi tour nước ngoài đường bộ tiếp tục thịnh hành. Cửa khẩu Lào Cai ghi nhận hàng nghìn lượt khách, riêng trong ngày đầu kỳ nghỉ lễ khoảng 3.000 lượt xuất cảnh, trong đó 1.000 lượt là khách đi tour qua các công ty du lịch.

Các doanh nghiệp ghi nhận lượng đặt tour có vé máy bay không nhiều, khách nội địa chủ yếu đi đường bộ để tiết kiệm chi phí.

Ông Bùi Thanh Tú - Giám đốc Marketing Công ty du lịch BestPrice - cho biết, nhiều du khách có xu hướng tự đặt vé máy bay, khách sạn riêng lẻ trong kỳ nghỉ và du khách nội địa có xu hướng cân nhắc nhiều hơn trong chi tiêu, ưu tiên những dịch vụ có giá trị cao và hợp túi tiền.

Kỳ nghỉ sôi động tại nhiều địa phương

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Top địa phương đón đông khách nhất cả nước phải kể đến TPHCM ước đón 980.000 lượt khách (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023); Hà Nội: 672.900 lượt (tăng 5%); Hải Phòng: 580.000 lượt; Khánh Hòa: 578.219 lượt (tăng 2%); Bà Rịa - Vũng Tàu: 555.984 lượt (tăng 4,0%); Quảng Ninh: 455.000 lượt (tăng 19%); Thanh Hóa: 395.700 lượt (tăng 20,4%); Bình Thuận: 385.000 lượt (tăng gấp 3,3 lần); Nghệ An: 320.000 lượt (tăng 19%); Đà Nẵng: 308.000 lượt (tăng 21,2%)...

Các địa phương ghi nhận doanh thu cao gồm TPHCM ước đạt 2.940 tỉ đồng, Hà Nội thu khoảng 2.180 tỉ đồng, Đà Nẵng đạt 1.200 tỉ đồng, Quảng Ninh có doanh thu 870 tỉ đồng.

Tỉnh Khánh Hòa ghi nhận tổng thu du lịch đạt hơn 756 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Đặc biệt Ninh Bình có mức doanh thu từ du lịch tăng vọt - ước đạt gần 650 tỉ đồng, tăng hơn 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình Thuận đạt 510 tỉ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu thu 333.6 tỉ đồng từ du lịch trong dịp nghỉ lễ.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các địa phương đã phối hợp cùng cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn chủ động làm mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đồng thời tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, các chương trình khuyến mại, gói dịch vụ đi kèm… nhằm thu hút và tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của du khách.

Tại các trung tâm du lịch, hoạt động du lịch diễn ra rất sôi nổi, nhộn nhịp với nhiều sản phẩm mới hấp dẫn như: Trải nghiệm du ngoạn sông Hàn, trải nghiệm dù lượn ngắm Đà Nẵng từ trên cao, tour xích lô du lịch khám phá vẻ đẹp về đêm của Đà Nẵng; TPHCM mở thêm tuyến tham quan bằng xe buýt 2 tầng và khai trương Phố thương mại - ẩm thực Sky Garden…

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp ở các điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Đà Nẵng, Bình Thuận đã đưa ra nhiều hình thức khuyến mại, không phụ thu dịp lễ để thu hút du khách.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan