A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai giảng năm học 2024 - 2025: Năm học của sự đổi mới, sáng tạo

Sáng nay 5.9, hàng triệu học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Năm học này được xác định là năm học của “đổi mới sáng tạo nâng cao chất lượng”, với nhiều đổi mới trong việc đánh giá, kiểm tra theo hướng phát huy năng lực học sinh.

Khai giảng năm học 2024 - 2025: Năm học của sự đổi mới, sáng tạo

Năm học mới 2024 - 2025 được xác định là năm học của “đổi mới sáng tạo nâng cao chất lượng”. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều hoạt động ý nghĩa trong lễ khai giảng

Ngoài phần lễ ngắn gọn nhưng không kém phần trang trọng của lễ khai giảng, học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn được tham gia rất nhiều hoạt động thú vị như: Tìm hiểu trường lớp, nhảy Aerobic, dân vũ tập thể, chơi các trò chơi dân gian…

Trên sân trường nhỏ đầy ắp tiếng cười nói của học trò, nụ cười của các bậc phụ huynh và cả thầy cô giáo. Cứ như vậy, ngày khai giảng năm học mới của các em học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1 diễn ra trong không khí hân hoan, đầy niềm vui, sự háo hức.

Cô Nguyễn Phương Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy - cho biết, quan điểm của nhà trường là buổi lễ khai giảng ngắn gọn, vui vẻ và tránh gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh trong việc tập dượt, chuẩn bị.

“Học trò tập trung một ngày duy nhất vào 29.8 và sau đó 5.9 đến dự khai giảng. Các con không phải tập dượt, hay chuẩn bị cầu kỳ, nhảy dân vũ có thể chưa đều, chưa đẹp, nhưng quan trọng là các con được vận động, trải nghiệm và thật vui trong ngày khai giảng. Có như vậy, mỗi ngày đến trường mới thật sự là một ngày vui” - cô Hoa chia sẻ.

Còn tại Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bắt đầu từ năm 2018, nghi thức thả chim bồ câu trong lễ khai giảng đã tạo ra điểm nhấn riêng của trường. Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình, của niềm tin và hy vọng, đó cũng là những yếu tố mà học sinh cần phải có, giúp các em thêm tràn đầy năng lượng, tư duy sáng tạo để bước vào một năm học mới với tâm thế tốt nhất. Mỗi trường có 1 cách khác nhau, nhưng mục đích chung, là để học sinh có buổi lễ khai giảng ý nghĩa, tạo tâm lý vui vẻ, hứng khởi bước vào năm học mới.

Lễ khai giảng Trường THPT Phạm Hùng (tỉnh Vĩnh Long) tổ chức ngày 4.9.  Ảnh: Tạ Quang

Lễ khai giảng Trường THPT Phạm Hùng (tỉnh Vĩnh Long) tổ chức ngày 4.9. Ảnh: Tạ Quang

Đổi mới thi cử, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Năm học 2024 - 2025, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12. Do đó, năm học này, mục tiêu các trường hướng tới là hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình mới.

Đồng thời, không ngừng đổi mới kiểm tra, đánh giá. “Việc kiểm tra, đánh giá của nhà trường đang được thực hiện linh hoạt, thông qua các hình thức như: Đánh giá qua phiếu trắc nghiệm, đánh giá qua quan sát, đánh giá chéo, đánh giá qua các dự án học tập… Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá giúp phản ánh đúng năng lực của người học, theo đúng mục tiêu đặt ra của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thay vì chỉ làm các kiểm tra trên giấy, nặng về lý thuyết, các con học sinh được đánh giá toàn diện, phát triển tư duy, các kỹ năng” - cô Nguyễn Phương Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy - chia sẻ.

Năm học 2024 - 2025, lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Trước thềm năm học mới, cô Nguyễn Thị Phước Nhuận - giáo viên Trường THCS Long Lâm (Nam Đàn, Nghệ An) - đặt kỳ vọng vào nền giáo dục “học thật - thi thật”. “Tôi mong rằng điểm số của học sinh sẽ phản ánh đúng năng lực, khả năng học tập của các em”.

Còn theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, sau 4 năm, năm học 2024-2025, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối của các cấp học. Đây cũng sẽ là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.

​Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GDĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Dự kiến, Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11.2024, tính ổn định lâu dài của Quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.

Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi khá rộng để đánh giá, do đó các Sở GDĐT đã sẵn sàng phương án cho công tác này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.

"​Bộ GDĐT cũng đã và đang sát sao nắm bắt, có kế hoạch hỗ trợ, đồng hành với địa phương trong triển khai từng nhiệm vụ, công việc quan trọng của năm học mới 2024 - 2025" - bộ trưởng chia sẻ.

Giáo viên đề xuất đổi mới về tuyển sinh trước thềm năm học mới

Theo tôi, nếu Bộ GDĐT tiếp tục ra đề chất lượng và có độ phân hóa tốt như năm 2023 và năm 2024 thì tôi cùng nhiều đồng nghiệp mong muốn Bộ GDĐT chỉ đạo các trường Đại học phải dành từ 75-80% chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Với tỉ lệ cao như vậy thì kỳ thi tốt nghiệp mới xứng tầm với tên gọi của nó, đồng thời học sinh có một lần thi mà đạt hai mục đích và thể hiện sự công bằng cho mọi thí sinh. Khi lấy điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển thì Bộ GDĐT cũng cần quy định ngưỡng điểm đầu vào để đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi - Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan