Tàu nghiên cứu Mặt trăng của Ấn Độ chuyển sang giai đoạn ‘ngủ’
Ấn Độ đã tắt tàu thám hiểm Mặt trăng sau khi hoàn thành nhiệm vụ thí nghiệm kéo dài 2 tuần, cơ quan vũ trụ nước này cho biết.
Cuối ngày 2/9, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X rằng tàu thăm dò Pragyan tách ra từ tàu đổ bộ Chandrayaan-3 đã được "đặt ở chế độ ngủ" nhưng pin đã được sạc và bật bộ thu.
"Chờ đợi sự tỉnh giấc thành công để thực hiện một loạt nhiệm vụ khác! Nếu không, nó sẽ mãi mãi ở đó với tư cách là đại sứ Mặt trăng của Ấn Độ", ISRO cho biết.
Thời gian hoạt động của Chandrayaan-3 và tàu thăm dò Pragyan là 1 ngày ở Mặt trăng, tương đương 14 ngày trên Trái đất. Nếu vượt qua được đêm dài trên Mặt trăng, tàu đổ bộ và tàu tự hành có thể sẽ sống sót.
Với việc đưa tàu đổ bộ đáp xuống Mặt trăng, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ, chinh phục thành công hành tinh này. Tàu đổ bộ của Ấn Độ còn lập kỷ lục khi trở thành tàu đầu tiên đáp xuống cực nam của Mặt trăng, sau khi nỗ lực tương tự của Nga không thành công.
Cú đáp xuống nhẹ nhàng và mang tính chuẩn mực của Chandrayaan-3 sau nỗ lực thất bại năm 2019 mang lại sự hân hoan lớn ở một trong hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Các phương tiện truyền thông ca ngợi cuộc đổ bộ là kỳ tích khoa học vĩ đại nhất của Ấn Độ.
ISRO cho biết, Pragyan đã di chuyển hơn 100m, xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh, sắt, ô xy và các nguyên tố khác trên Mặt trăng.
Không lâu sau thành công với Mặt trăng, Ấn Độ tiếp tục phóng tàu nghiên cứu Mặt trời và đang chờ đợi con tàu vào được đúng vị trí dự kiến.
Ngày 2/9, ISRO cho biết rằng "vệ tinh vẫn khỏe mạnh", đang ở trên quỹ đạo Trái đất và chuẩn bị cho hành trình dài 1,5 triệu km.