Kho vàng của Mỹ có thể tạo ra 750 tỉ USD chỉ sau một đêm
Việc điều chỉnh sổ sách kế toán về dự trữ vàng của Mỹ có thể giúp kho bạc nước này tăng thêm 750 tỉ USD chỉ sau một đêm.
Thị trường vàng đang trải qua thời kỳ hoàng kim. Giá vàng đã tăng hơn 40% trong vòng 12 tháng qua, gấp đôi mức tăng của chỉ số S&P 500. Nhưng người nắm giữ vàng lớn nhất thế giới không phải là quỹ đầu tư nào, mà chính là chính phủ Mỹ. Và chỉ bằng một thay đổi trong cách ghi sổ kế toán, Bộ Tài chính Mỹ có thể ngay lập tức ghi nhận khoản lợi nhuận kế toán khổng lồ lên đến 750 tỉ USD - tờ Fortune cho hay.
Hiện tại, Mỹ sở hữu khoảng 261,6 triệu ounce vàng, tương đương gần 8.200 tấn. Trên sổ sách của chính phủ, số vàng này vẫn đang được định giá ở mức 42,22 USD/ounce – mức giá từ những năm 1970 - khiến giá trị ghi nhận chỉ khoảng 11 tỉ USD. Nhưng với giá vàng hiện tại lên đến 2.920 USD/ounce, giá trị thực tế của kho vàng này lên đến 765 tỉ USD.
Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Tại sao không cập nhật giá trị vàng theo thị trường để tạo ra một khoản lợi kế toán khổng lồ?
Sự quan tâm đến vấn đề này tăng mạnh sau khi Bộ trưởng Tài chính mới, Scott Bessent, cam kết thực hiện tầm nhìn kinh tế của Tổng thống Donald Trump. Khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh thành lập Quỹ Tài sản Chủ quyền Mỹ, ông Bessent tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tận dụng tài sản trên bảng cân đối kế toán của Mỹ để phục vụ người dân Mỹ. Chúng tôi sẽ làm cho tài sản này sinh lời, và đó sẽ là một điều vô cùng thú vị”.
Bộ Tài chính Mỹ chưa bình luận gì thêm, nhưng theo định nghĩa, "monetization" (chuyển đổi tài sản thành tiền) có nghĩa là thể hiện giá trị tài sản bằng tiền tệ hoặc biến nó thành tiền mặt.
Nhưng câu hỏi đặt ra là 750 tỉ USD trên sổ sách có thực sự giúp ích gì cho nền kinh tế Mỹ?
Theo Jay Hatfield, CEO của Infrastructure Capital Advisors, để khoản chênh lệch 750 tỉ USD này có giá trị thực sự, chính phủ Mỹ phải bán vàng lấy tiền mặt. Nhưng nếu Mỹ bán vàng ra thị trường, giá vàng có thể lao dốc không phanh, dẫn đến một cuộc “tắm máu” trên thị trường tài chính.
“Sẽ là thảm họa nếu chính phủ Mỹ cố bán một lượng vàng lớn” - Hatfield cảnh báo.
Rob Haworth, chuyên gia chiến lược đầu tư tại U.S. Bank Wealth Management, cũng đồng tình: Trung Quốc đã mua vàng ồ ạt từ năm 2022, giúp giá vàng tăng mạnh. Nhưng nếu Mỹ bán ra, xu hướng này có thể đảo ngược, đẩy giá vàng giảm sâu.
Động thái định giá lại vàng có thể giúp giảm áp lực nợ công khi các khoản chi tiêu của chính phủ đang gia tăng chóng mặt. Theo Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm, đề xuất thuế và chi tiêu mới của Đảng Cộng hòa có thể làm tăng thêm 6,5 nghìn tỉ USD vào nợ công, khiến mức nợ của Mỹ tăng gấp đôi.
David Teeters, giáo sư tại IESE Business School, cho rằng việc đánh giá lại kho vàng có thể giúp cải thiện bảng cân đối kế toán của chính phủ, giảm tỉ lệ nợ trên tổng tài sản. Điều này có thể giúp Bộ trưởng Bessent có thêm dư địa chính sách.
Nhưng ông cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn: “Chính quyền Tổng thống Trump muốn đồng USD yếu để thúc đẩy xuất khẩu, nhưng lại muốn giữ vị thế đồng tiền dự trữ số một thế giới. Hai mục tiêu này mâu thuẫn nhau”.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu các nước bước vào cuộc đua phá giá tiền tệ, thế giới có thể tiến tới một cuộc cải tổ tiền tệ toàn cầu. Theo Teeters, hai lựa chọn khả dĩ là: Quay về bản vị vàng, vì vàng luôn giữ vai trò tiền tệ suốt hàng thiên niên kỷ, hoặc sử dụng Bitcoin - tài sản mà giới trẻ coi là “vàng kỹ thuật số” trong kỷ nguyên số.
Dù theo hướng nào, giá vàng vẫn có thể hưởng lợi mạnh trong năm 2025.