A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hai ngã rẽ của BRICS trong trật tự thế giới đang thay đổi

BRICS mở rộng với 10 thành viên, đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của nhóm và vai trò của nhóm trong kinh tế toàn cầu.

Hai ngã rẽ của BRICS trong trật tự thế giới đang thay đổi

BRICS hiện có 10 thành viên. Ảnh minh họa: Xinhua

Việc Indonesia gần đây gia nhập nhóm BRICS nêu bật những nỗ lực đang diễn ra cũng như tham vọng của các nước thành viên nhằm tạo ra một đối thủ cạnh tranh với G7 - liên minh của những nền kinh tế mạnh nhất thế giới.

BRICS hiện có 10 thành viên (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Iran, UAE, Ethiopia và Indonesia), có tổng quy mô kinh tế tương đương khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.

Theo Cyprus Mail, lập trường quyết liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là có những tác động tới nhóm BRICS. Nếu nhà lãnh đạo Mỹ thực hiện lời đe dọa áp thuế lên tới 100% với các nước BRICS vì nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, sẽ làm bùng phát căng thẳng, gây bất ổn cho thương mại toàn cầu và thử thách sự gắn kết của nhóm BRICS.

Lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump, tính tới việc đồng USD chiếm hơn 70% giao dịch thương mại toàn cầu, dự kiến dẫn tới 2 kịch bản.

Trước tiên, các nước BRICS thúc đẩy tăng cường quan hệ kinh tế nội khối, nỗ lực chuyển dịch khỏi đồng USD thông qua việc phát triển các hệ thống tài chính thay thế, ví dụ hệ thống thanh toán BRICS Pay.

Hoặc, ở kịch bản thứ 2, BRICS suy yếu do xu hướng ly tâm từ những quốc gia thành viên tin là sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi áp dụng các chính sách thân thiện với Mỹ.

Dù Nga và Trung Quốc - hai nước trong nhóm sáng lập BRICS - giao dịch với nhau bằng đồng rúp và đồng nhân dân tệ, nhưng việc tạo ra tiền tệ chung của BRICS được xem là nhiệm vụ rất khó. Mức độ hội tụ kinh tế và cấu trúc phức tạp đủ để đảm bảo cho thành công của một dự án lớn như vậy vẫn chưa đạt được. Điều này cũng cho thấy đặc điểm kinh tế và lợi ích khác biệt của các nước thành viên BRICS.

Thêm vào đó, bối cảnh địa chính trị cũng đang có những biến chuyển, lời đe dọa áp thuế và các biện pháp trừng phạt Nga nếu xung đột ở Ukraina không sớm kết thúc, một mặt có thể làm xấu đi quan hệ Nga - Mỹ, đưa Nga xích lại với các đối tác BRICS. Mặt khác, xung đột Nga - Ukraina kết thúc có thể tạo động lực mới cho hợp tác thương mại giữa Nga với Mỹ và với EU.

Dù là kịch bản nào, rạn nứt Đông - Tây dường như đang ngày càng sâu sắc hơn vào thời điểm chính sách kinh tế và đối ngoại khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dẫn tới gia tăng bất ổn.

Tựu trung, khả năng gián đoạn kinh tế có thể củng cố quyết tâm của BRICS về việc tăng cường hợp tác kinh tế nội khối và nỗ lực thoát khỏi phụ thuộc đồng USD.

Cuối cùng, thành công của BRICS trong tương lai phụ thuộc vào khả năng của các thành viên trong nắm bắt những cơ hội khi trật tự thế giới đang thay đổi tạo ra. Điều này cũng phụ thuộc vào khả năng các thành viên BRICS cùng nhau giải quyết các thách thức.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật