A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải Phòng tăng cường giám sát việc đóng kinh phí công đoàn

UBND TP Hải Phòng vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26.1.2025 về việc đóng kinh phí công đoàn (KPCĐ). Chỉ thị trên được các cấp công đoàn thành phố, người lao động (NLĐ) trên địa bàn thành phố đặc biệt quan tâm.

Hải Phòng tăng cường giám sát việc đóng kinh phí công đoàn

Bữa cơm công đoàn tại Công ty TNHH LG Innotek, Khu kinh tế Hải Phòng. Ảnh: Mai Dung

Chỉ thị giám sát việc đóng kinh phí Công đoàn

Theo Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND TP Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tổ chức khác có sử dụng lao động, không phân biệt đơn vị đã có hay chưa có công đoàn cơ sở (CĐCS) đều phải có trách nhiệm đóng KPCĐ 2% mỗi tháng một lần về cơ quan công đoàn theo phân cấp của Tổng LĐLĐVN. Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ.

Cơ quan Công đoàn các cấp trên địa bàn thành phố là đơn vị chủ trì, xây dựng chương trình phối hợp với cơ quan Thuế, Tài chính, BHXH, Thanh tra lao động và các ngành liên quan cùng cấp để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nghĩa vụ đóng KPCĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng phải đóng KPCĐ theo quy định.

Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp của các cơ quan hành chính Nhà nước tổ chức tuyên truyền, thực hiện giám sát, đôn đốc các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiêm nghĩa vụ về tài chính công đoàn. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành chính về đóng KPCĐ theo quy định của Chính phủ.

UBND TP Hải Phòng yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị.

Chăm lo tốt hơn cho người lao động

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết, trước việc nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn trây ỳ, không chịu đóng KPCĐ, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ; xét các quy định hiện hành cũng như đề xuất của LĐLĐ TP, các ý kiến của Sở Tư pháp, LĐTBXH, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Duyên hải Bắc Bộ… sau khi xem xét, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Chỉ thị với mục đích để các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm Luật Công đoàn, trích nộp KPCĐ để công đoàn có kinh phí chăm lo lại cho NLĐ.

Cũng theo ông Lê Khắc Nam, chỉ thị này có nhiều nội dung cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các văn bản hiện hành nên UBND TP tiếp tục ra chỉ thị 05/CT-UBND ngày 26.1.2025.

Ông Nguyễn Anh Tuân - Chủ tịch LĐLĐ TP Hải Phòng - cho rằng, việc đảm bảo thu KPCĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện Luật Công đoàn. Để tạo hành lang pháp lý tại địa phương, giúp tổ chức Công đoàn cũng như doanh nghiệp thi hành Luật thuận lợi, cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn nên LĐLĐ TP đã chủ động lấy ý kiến của hơn 30 tổ chức, sở ngành, địa phương, đơn vị,… để đề xuất UBND TP ra Chỉ thị về đóng KPCĐ.

Ông Tuân trao đổi thêm, cùng với kiến nghị về xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo giao thông đi lại, chống tín dụng đen,... thì kiến nghị với UBND về chỉ thị đóng kinh phí công đoàn sẽ giúp đoàn viên được hưởng lợi hơn từ đó tích cực trong công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Đồng thuận về việc nộp 2% KPCĐ, ông Hoàng Văn Dương, Giám đốc Công ty Hàng hải Liên Minh, đơn vị có gần 800 lao động cho biết, công ty từ khi thành lập công đoàn hơn 10 năm trước đã trích nộp 2% nộp KPCĐ nghiêm túc.

“Tôi thấy, việc CĐ cấp trên chuyển lại 75% mức kinh phí về cho công đoàn cơ sở (CĐCS) là rất thiết thực, để CĐCS tổ chức các hoạt động cho NLĐ. Doanh nghiệp phải lo phát triển khách hàng, hợp đồng, nay có tổ chức CĐ giúp lãnh đạo công ty chăm lo mọi việc cho NLĐ là rất tốt” - ông Dương nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn VLC, đơn vị có gần 1.500 lao động - cho biết: “Chúng tôi xây dựng văn hóa DN “coi công ty như mái nhà thứ 2”. Việc trích nộp 2% KPCĐ được DN thực hiện nghiêm. Vì ngoài mức thu nhập, Công ty cũng rất quan tâm đến các hoạt động văn hóa tinh thần do CĐCS tổ chức cho NLĐ. Tôi thấy vai trò của CĐ rất quan trọng khi nhiều hoạt động bổ ích được tổ chức từ nguồn kinh phí chuyển lại cho CĐCS. Ngoài việc chăm lo đời sống cho NLĐ, CĐ còn là đơn vị gắn kết NLĐ, giúp doanh nghiệp ổn định trong việc sản xuất, kinh doanh”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật