A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiến kế phát triển giao thông thông minh

Theo cảnh báo của chuyên gia, vào năm 2030, xe cá nhân ở Hà Nội sẽ vượt năng lực đáp ứng hơn 10 lần. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển giao thông thông minh.

Hiến kế phát triển giao thông thông minh

Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển giao thông thông minh. Ảnh: Phạm Đông

Xe cá nhân sẽ vượt năng lực đáp ứng

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, giao thông Hà Nội đang phát triển nhanh chóng.

Tính đến tháng nay, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội là hơn 7,7 triệu phương tiện, bao gồm hơn 1 triệu xe ôtô, khoảng 6,5 triệu xe máy, khoảng 183.000 xe máy điện (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại Thủ đô) trên quy mô dân số khoảng 8,5 triệu người.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng xe máy đăng ký mới có chiều hướng chững lại thì tốc độ gia tăng số lượng xe ôtô cả nước và Hà Nội đều ở mức cao.

Với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay (khoảng 10%/năm), theo dự báo đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ có khoảng 1,3 triệu ôtô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 sẽ có khoảng 1,7 triệu ôtô và 7,7 triệu xe máy.

Tốc độ tăng trưởng phương tiện cao thì tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ lại thấp hơn nhiều (chỉ khoảng 3 - 4%/năm) và của quỹ đất dành cho giao thông chưa đến 1%/năm. Trong khi tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị, với đô thị đặc biệt như Hà Nội cần đảm bảo 24% - 26%.

Như vậy, phương tiện cơ giới cá nhân khi này sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị từ 7,5 - 10,6 lần.

Phát triển giao thông thông minh

Để “giải bài toán” ùn tắc giao thông, TS Phạm Hoài Chung - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải - cho biết, để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội là rất cấp bách và cực kỳ cần thiết.

Theo đó, giao thông thông minh trên địa bàn thành phố phải đảm bảo tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn và hạn chế các tai nạn, sự cố khi tham gia giao thông.

"Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong vận hành và quản lý giao thông đô thị tại Hà Nội là vấn đề cần thiết nhằm giải quyết áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông và tối ưu hóa hoạt động vận tải, làm động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội" - ông Chung cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Giao thông vận tải - cho rằng, nhằm phát triển giao thông thông minh, Hà Nội cần chú trọng xây dựng các khung tiêu chuẩn cho hệ thống ITS tại Việt Nam, Nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới như ITS kết nối, xe tự hành, bản sao số … Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT… trong xử lý dữ liệu giao thông, thiết kế, chế tạo các hệ thống điều khiển giao thông thông thông minh…

Còn Tiến sĩ Trần Thiện Chính, Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết, để phát triển giao thông thông minh không chỉ nhà nước, các tổ chức doanh nghiệp cần tích cực tham gia.

“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu cũng như ở nước ta, các mô hình kinh doanh mới liên tục xuất hiện mối đe dọa các mô hình kinh doanh truyền thống, các doanh nghiệp thiếu sáng tạo, chậm đổi mới đang đối diện với nguy cơ sinh tồn rất lớn. Bối cảnh đó đòi hỏi các doanh nghiệp cần gấp rút tiến hành chuyển đổi số” - Tiến sĩ Trần Thiện Chính nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan