A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận hành hiệu quả đường sắt đô thị, giải quyết bài toán giao thông

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông ...

Phát biểu khai mạc hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh diễn ra sáng 17/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hội thảo nhằm thực hiện Kết luận số 49 ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 178 của Chính phủ về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vận hành hiệu quả đường sắt đô thị, giải quyết bài toán giao thông

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc hội thảo

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt, 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là 2 đô thị có diện tích và dân số lớn nhất cả nước.

Cùng với xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông...

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Thời gian qua, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã, đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, “đột phá” nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đáp ứng sự nhu cầu và mong mỏi của người dân hai thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn và Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường tặng hoa, kỉ niệm chương cho các diễn giả
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn và Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường tặng hoa, kỉ niệm chương cho các diễn giả

Để từng bước thực hiện mục tiêu đó, hội thảo được tổ chức, hướng tới 3 mục tiêu: trao đổi, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế từ các nước có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng phát triển, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị; tổng hợp các kinh nghiệm trong nước và quốc tế để nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác đường sắt đô thị; tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh theo 5 nhóm lĩnh vực trọng yếu.

Vận hành hiệu quả đường sắt đô thị, giải quyết bài toán giao thông

Diễn giả tham luận tại hội thảo

Đến nay, hội thảo đã thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Nội dung sẽ tập trung trao đổi 5 chủ đề chính gồm: Quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; thu hút nguồn lực từ đất đai; tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ cho đường sắt đô thị; mô hình quản lý, tổ chức thực hiện dự án đường sắt đô thị. Trong đó, trọng tâm là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); mô hình TOD cùng với các công cụ thu hồi giá trị gia tăng từ đất (LVC). Đây là 2 nội dung được kỳ vọng sẽ đem lại các giải pháp mới cho đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

“Với tình cảm chân thành, tinh thần cầu thị, Ban Tổ chức hội thảo luôn lắng nghe và mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham góp nhiều ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, các giải pháp khả thi, tiếp tục đồng hành cùng với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển đường sắt đô thị, góp phần xây dựng 2 thành phố văn minh, hiện đại và phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 17 - 19/1/2024, tại Hà Nội.

Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm. Cụ thể, tuyến số 1: Yên Viên - Ngọc Hồi dài 38,7km, tuyến số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 35,2km, tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông dài 14km, tuyến số 3: Nhổn - Hoàng Mai dài 48km, tuyến số 4: Đông Anh - Mê Linh dài 54km, tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc dài 39km, tuyến số 6: Nội Bài - Tây Ngọc Hồi dài 43km, kết nối với tuyến số 4 và tuyến số 7: Hà Đông - Mê Linh dài 35km, tuyến số 8: Hoài Đức - Gia Lâm dài 28km. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ hoàn thành được 13km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5km của tuyến số 3 đoạn Nhổn- ga Hà Nội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan