Hà Nội: Hoạt động xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực
Theo đánh giá của ông Đậu Ngọc Hùng - Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội, hoạt động xây dựng trong quý III/2022 trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án đang tăng tốc để hoàn thiện.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, đối với dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đường trên cao và 4 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ toàn dự án đạt 75,1%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 96,3%; đoạn ngầm đạt 39%. Thành phố Hà Nội đang cùng chủ đầu tư tập trung hoàn thiện nốt các phần việc trên cao để đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2022, đồng thời tiếp tục xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đoạn đi ngầm.
Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 đã chính thức thông xe vào ngày 5/10 vừa qua |
Đối với dự án Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 đã chính thức khánh thành vào ngày 5/10 vừa qua. Đây là 1 trong 6 dự án giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội, có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m, có kết cấu bê tông cốt thép. Mặt cắt ngang có 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 7,75m, 2 làn xe cơ giới rộng 3,5 m/làn. Phần hầm hở mỗi chiều có bề rộng 7,75m phân cách 2 chiều bằng giải phân cách cứng rộng 1m, xén hè mở rộng đường Lê Văn Lương - Tố Hữu trong phạm vi dự án mỗi bên trung bình 5,5m để bố trí thêm một làn xe cơ giới, tổng sẽ có 10 làn xe được đưa vào sử dụng.
Đối với dự án xây dựng đường Vành đai 2 trên cao trục cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, dự án này được khởi công tháng 4/2018 với tổng mức đầu tư 9,4 nghìn tỷ đồng, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 5 km.
Hiện đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đã hoàn thành, thông xe đi vào vận hành; Đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đang được chủ đầu tư huy động phương tiện máy móc, nhân lực thi công tăng ca, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao để đẩy nhanh tiến độ thi công theo đúng cam kết với thành phố; Đoạn từ Cầu Vĩnh Tuy đến Chợ Mơ đang thi công các công việc còn lại như lắp đặt lan can, tường chống ồn... Dự kiến cuối tháng 12/2022 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến.
Trong khi đó, dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) được khởi công 9/1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5km, mặt cắt ngang 19,3m; Điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và phố Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh.
Trong quý III/2022, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công 3 ca liên tục và đến nay khối lượng trên công trường ước đạt 74%. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành hợp long các nhịp chính trước ngày 30/6/2023; Hoàn thành các hạng mục còn lại (đúc gờ bê tông lan can, khe co giãn, cây xanh, chiếu sáng, thảm mặt cầu, sơn kẻ tổ chức giao thông) xong trong tháng 9/2023, khánh thành dịp 10/10/2023.
Đối với dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội, công trình được khởi công tháng 3/2021 do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình văn hóa - xã hội Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng.
Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, nơi giáp ranh giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm. Tổng diện tích dành cho dự án là 39,6 nghìn m2 , trong đó diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2 với các hạng mục: Nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 3D - 4D 200 chỗ, nhà thi đấu 500 chỗ, bể bơi 10 làn bơi, nhà học và thư viện Tháp Thiên văn… kết hợp với trang thiết bị tự động thông minh, chất lượng cao phục vụ công việc vận hành theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Hiện nay, dự án đang triển khai ở giai đoạn 1, dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào năm 2024.