A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng nghìn nhà trẻ ở Hàn Quốc đóng cửa vì người dân không chịu sinh con

Do tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc giảm mạnh cùng với lo ngại dịch bệnh, hàng loạt trường mẫu giáo tại xứ sở kim chi đã buộc phải dừng hoạt động vì không có học sinh.

Trường mẫu giáo đóng cửa hàng loạt

Theo số liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, có 31.099 nhà trẻ ở quốc gia này tính đến tháng 8 vừa qua, giảm 9.139 cơ sở so với năm 2017.

"Hầu hết trung tâm giữ trẻ tư nhân và nhà trẻ nhỏ với quy mô khoảng 20 học sinh đã đóng cửa. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ sinh thấp đã ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống", Chi Sung Ae, cựu giám đốc Hiệp hội Giáo dục mầm non Hàn Quốc, nói.

Theo đó, số trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo giảm 27,3%, từ 1,45 triệu năm 2017 xuống còn 1,05 triệu vào tháng 8 năm nay.

Tỉnh Gyeonggi là địa phương có số nhà trẻ đóng cửa nhiều nhất với 2.330 cơ sở phải ngừng hoạt động so với cùng kỳ, trong khi số trẻ mẫu giáo giảm 75.794 bé. Tiếp theo là Seoul với các con số tương tự là 1.477 và 71.528.

Chú thích ảnh

Nhà trẻ đóng cửa vì không có học sinh - Ảnh: Yonhap

"Khu vực thủ đô có nhiều trung tâm giữ trẻ nhất nên cũng ghi nhận số lượng cơ sở đóng cửa nhiều nhất. Tỉnh Gyeonggi đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề vì nhiều cặp vợ chồng định cư ở đây sau khi kết hôn", Kim Young Sook, thuộc Hiệp hội Chăm sóc - Giáo dục Hàn Quốc, cho biết.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều nhà trẻ biến mất ở xứ củ sâm. Hầu hết các bậc cha mẹ không đưa con cái đến trung tâm chăm sóc vì sợ bị lây nhiễm virus. Năm 2020, khi đại dịch đang đạt đỉnh, khoảng 3.237 cơ sở giữ trẻ đã phải đóng cửa.

Tỷ lệ sinh giảm kỷ lục

Ngày 26/10, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) công bố số liệu cho thấy số trẻ sơ sinh chào đời tại nước này trong tháng 8 vừa qua ở mức thấp kỷ lục, trái ngược với số ca tử vong ở mức cao chưa từng thấy, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh và đại dịch Covid-19.

Theo KOSTAT, có tổng cộng 21.758 trẻ chào đời ở Hàn Quốc trong tháng 8 năm nay, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất ghi nhận trong mọi tháng 8 kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu liên quan vào năm 1981. Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn so với mức 20,441 trẻ sơ sinh trong tháng 7 năm nay.

Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc giảm trong thời gian dài do nhiều người trẻ tuổi trì hoãn hoặc không kết hôn và sinh con trong bối cảnh kinh tế suy giảm, giá nhà ở tăng cao cùng với sự thay đổi các chuẩn mực xã hội về hôn nhân.

Chú thích ảnh

Tỷ lệ sinh thấp khiến các trường mẫu giáo thiếu vắng trẻ - Ảnh: KBS

Năm ngoái, Hàn Quốc đã phá kỷ lục của chính nước này về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tổng tỷ suất sinh (TFR) - tức là số trẻ trung bình mà một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời - đã giảm từ 0,84 hồi năm 2020 xuống 0,81 trong năm 2021. Năm ngoái cũng là năm thứ 4 liên tiếp TFR của Hàn Quốc dưới mức 1.

Trái lại, tốc độ già hóa dân số nhanh và số ca tử vong vì Covid-19 khiến số người qua đời trong tháng 8 tại Hàn Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, với tổng cộng 30.001 người, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lo ngại giáo viên mất việc vì cho trẻ vào tiểu học từ lớp 5

Trong một cuộc họp về chính sách với Tổng thống Yoon Suk-yeol vào ngày 29/7, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Park Soon-ae đề xuất giảm độ tuổi học tiểu học xuống 5 tuổi và cho phép trẻ em đi học sớm hơn một năm. Phương án sửa đổi này sẽ có kế hoạch triển giai dần trong vòng 4 năm, từ năm 2025.

Bộ Giáo dục lý giải đề xuất nhằm giảm gánh nặng chi phí học tập cho phụ huynh. Việc thay đổi độ tuổi nhập học có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực lao động trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và dân số già tăng nhanh. Như vậy, trong tương lai, thanh thiếu niên Hàn Quốc sẽ đi làm sớm hơn sau khi tốt nghiệp đại học.

Chú thích ảnh

Hàn Quốc muốn để trẻ 5 tuổi bước vào tiểu học - Ảnh: Korea Times

Tổng thống Yoon đã phê duyệt đề xuất này và yêu cầu Bộ Giáo dục thúc đẩy cải cách “ngay lập tức”.

Song, đề xuất này đã dấy lên nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Theo Đài KBS, có ý kiến phản đối từ các nhà trẻ công lập, yêu cầu Chính phủ rút lại phương án này, cho rằng trẻ sẽ không thể tiếp nhận được ưu đãi giáo dục phù hợp với sự phát triển khi mới chỉ 5 tuổi. Điều này cũng kéo theo nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng như đóng cửa nhà trẻ, giáo viên mất việc.

Trong giới giáo viên và chuyên gia cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc hạ độ tuổi nhập học xuống 5 tuổi là không phù hợp với sự phát triển của trẻ mầm non, gây bất lợi cho trẻ khi thi đầu vào và vấn đề xin việc làm.

Bộ Giáo dục sẽ tiến hành khảo sát ý kiến toàn dân về phương án trên, dự kiến lập đề án trong năm sau, và sau đó triển khai thí điểm theo từng Sở Giáo dục tại các tỉnh, thành trong năm 2024.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật