Các doanh nghiệp thủy sản "ăn mừng" xuất khẩu đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD, cổ phiếu đua nhau tăng vọt
Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc dần tiến tới việc mở cửa trở lại, và một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ với nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch sẽ là động lực cho nhóm thủy sản.
Trong 2 phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu thuỷ sản là một trong những nhóm cổ phiếu có đà tăng tốt nhất thị trường chứng khoán. Sáng nay (12/12), nhóm này đã có 3 mã tăng trần là ANV (+6,9%), IDI (+6,54%) và ACL (+6,58%).
Các cổ phiếu khác cũng có mức tăng tốt từ 4 – 5% như ASM (+5,95%), VHC (+5%), FMC (+4,96%), CMX (+4,63%).
Mới đây, VASEP đã tổ chức Lễ Mừng ngành thủy sản đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD. Theo đó, tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt hơn 10 tỷ USD. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây được xem là mốc kỷ lục lịch sử của ngành thủy sản Việt Nam, sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.
Ngoài ra, thời gian gần đây, Trung Quốc đang có những động thái nới lỏng chính sách Zero – Covid, ban hành các quy định mới cho phép các trường hợp mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng được cách ly tại nhà, đồng nghĩa với việc hầu hết người dân không phải đi cách ly tập trung.
Vietnam Airlines mới đây cũng đã mở lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc. Việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực tới nhiều nhóm ngành trong đó có thuỷ sản.
Trong 1 báo cáo về ngành thuỷ sản trong năm nay, BSC cho rằng Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại, và khi đó, với một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ và nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch, sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.