A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TS. Hoàng Trung Dũng: Doanh nghiệp phải "liệu cơm gắp mắm", không chạy theo "mốt" chuyển đổi số

TS. Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch Tổ chức Giáo dục Kingsman cho rằng trong một số trường hợp, doanh nghiệp không nhất thiết phải chuyển đổi số, mà điều quan trọng là kết quả kinh doanh cuối cùng.

TS. Hoàng Trung Dũng: Doanh nghiệp phải "liệu cơm gắp mắm", không chạy theo "mốt" chuyển đổi số - Ảnh 1.

TS. Hoàng Trung Dũng phát biểu tại Diễn đàn Shark Tank 2022.

" Chúng ta cần phải liệu cơm gắp mắm, tùy tình hình doanh nghiệp để linh hoạt, không nhất thiết phải dùng từ “chuyển đổi số” như một sự sang trọng, hoặc như một cái mốt cần phải làm", TS. Hoàng Trung Dũng - Chủ tịch Tổ chức Giáo dục Kingsman, đồng thời là Chủ tịch Công ty Rosa Bonita phát biểu tại phiên tọa đàm “Ứng biến linh hoạt trong kỷ nguyên công nghệ” thuộc khuôn khổ Diễn đàn Shark Tank 2022.

Theo ông Dũng, trong trường hợp doanh nghiệp không có nhiều giao dịch, hoặc làm về lĩnh vực mà ứng dụng số không quá rõ nét, không nhất thiết phải chuyển đổi số bằng cách mua phần mềm hay áp dụng AI. Ông chỉ ra điều quan trọng là kết quả kinh doanh cuối cùng.

Từ góc độ đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ông Phan Thanh Tùng – Giám đốc điều hành Simplamo cho biết trước khi đến bước chuyển đổi số, doanh nghiệp đầu tiên cũng phải số hóa thông tin một cách có hệ thống và tổ chức. "Tôi tin 100% mọi người chưa làm tốt điều này", ông nêu quan điểm.

Khi doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ông Tùng cho biết khó khăn nằm ở việc thuyết phục được những người trong tổ chức ứng dụng công nghệ đó.

"Doanh nghiệp đã tồn tại, đôi khi có doanh thu 100-200 tỷ. Điều họ băn khoăn là ứng dụng chuyển đổi số vào trong doanh nghiệp có làm thay đổi cơ cấu tổ chức hay không, có thật sự giúp tăng trưởng hay không. Đó là những khó khăn khi tiếp cận những doanh nghiệp trên dưới 30 người", ông giải thích.

Đối với những doanh nghiệp lớn, ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS nhận định vấn đề “đau đầu nhất” là mô hình đa ngành mà họ theo đuổi. Để giải quyết vấn đề này, ông cho biết cần một “kiến trúc sư trưởng” hợp nhất các ngành kinh doanh lại, sao cho hội đồng quản trị kiểm soát được tình hình.

"Còn đối với các doanh nghiệp vừa, quy mô từ 100 đến vài trăm nhân sự, bài toán với họ thường là không biết bắt đầu từ đâu. Thường thì mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp quy mô vừa đang không đồng đều, phụ thuộc vào khả năng công nghệ của từng phòng ban. Ví dụ, bộ phận marketing hay kế toán thì ứng dụng nhiều, còn như bên kinh doanh gần như không sử dụng công nghệ", ông Bảo chia sẻ.

TS. Hoàng Trung Dũng: Doanh nghiệp phải "liệu cơm gắp mắm", không chạy theo "mốt" chuyển đổi số - Ảnh 2.

Các diễn giả tại phiên tọa đảm “Ứng biến linh hoạt trong kỷ nguyên công nghệ” thuộc khuôn khổ Diễn đàn Shark Tank 2022.

Ông Nghiệp Lê – Giám đốc kinh doanh Payoneer đưa ra lời khuyên rằng dù quy mô lớn hay nhỏ, doanh nghiệp đều nên chuyển đổi số một phần trước và đo lường kết quả, sau đó mới mở rộng ra các phòng ban khác. Thị trường có nhiều bên cạnh tranh nhau nên thường có những gói miễn phí. Ông gợi ý doanh nghiệp dùng gói miễn phí trước, đừng vội dùng gói lớn nhiều khi dẫn đến thiếu nguồn lực.

Ông Tùng bổ sung rằng trước khi chuyển đổi số, doanh nghiệp nên sử dụng sức mạnh của đội ngũ hiện tại – đội ngũ làm marketing và sale để phân khúc khách hàng trong một năm, liệt kê những điểm chưa chạm tới khách hàng, cũng như những điều chưa khai thác. Việc thứ hai là sắp xếp độ phức tạp trong thu thập dữ liệu.

"Thứ ba, hãy suy nghĩ rằng nếu đầu tư làm công việc đó thì lợi ích về tài chính là gì. Ví dụ trong trường hợp một doanh nghiệp đã sở hữu hệ thống gồm hơn 70 cửa hàng, vấn đề không phải là chuyển đổi số, mà là chúng ta đầu tư và đạt được lợi ích tài chính nào sẽ quan trọng hơn", ông nêu ý kiến.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật