Giao thông xanh - nền tảng cho kinh tế xanh
Trước thực trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu nghiêm trọng, phát triển giao thông xanh đang trở thành xu hướng tất yếu toàn cầu. Theo các chuyên gia, xu hướng này mang lại nhiều lợi ích tích cực cho môi trường.
Phương tiện xe buýt xanh đang ngày càng được người dân ưu tiên sử dụng. Ảnh: Hạo Thiên
Giao thông xanh tạo bước đệm cho nền kinh tế xanh
Hiện nay, tại các thành phố lớn ở Việt Nam, xu hướng sử dụng phương tiện giao thông xanh như tàu điện, xe điện và xe buýt điện đang gia tăng rõ rệt. Các tuyến tàu điện thu hút đông đảo người dân nhờ tiết kiệm thời gian, an toàn, không phát thải và chi phí hợp lý. Đồng thời, xe buýt và xe đạp cũng được khuyến khích nhằm giảm khói bụi và ùn tắc giao thông.
Không chỉ giúp giảm áp lực giao thông đô thị, phương tiện xanh còn góp phần cắt giảm lượng khí thải CO2, cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, khí thải từ phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Do đó, chuyển sang phương tiện xanh là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Nhận thức rõ lợi ích từ việc sử dụng giao thông công cộng, ngày càng nhiều người dân lựa chọn xe buýt, tàu điện, xe đạp hoặc đi bộ. Chị Hoàng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường đi làm bằng xe buýt điện. Vừa sạch sẽ, thân thiện với môi trường vừa tiết kiệm chi phí, lại tránh được khói bụi và căng thẳng”.
PGS.TS Bùi Thị An cũng nhấn mạnh: Phát triển giao thông xanh không chỉ bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy kinh tế xanh. Giao thông xanh tạo việc làm trong các ngành sản xuất xe điện, năng lượng tái tạo và hạ tầng thông minh, góp phần tăng trưởng GDP theo hướng bền vững. Đồng thời, xu hướng này giúp thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Cần sự đồng hành của toàn xã hội
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mở ra động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy các ngành công nghiệp như năng lượng tái tạo, công nghệ sạch - những lĩnh vực ngày càng giữ vai trò then chốt.
Tuy nhiên, theo TS. Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cần nhấn mạnh vai trò thiết yếu của giao thông xanh trong quá trình chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết giảm phát thải của Việt Nam.
“Sự chuyển dịch đang diễn ra rõ rệt khi các thành phố lớn ở Việt Nam đẩy mạnh kế hoạch phát triển xe buýt điện, lắp đặt trạm sạc và đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi hoàn toàn phương tiện công cộng sang điện. Đây là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực cải thiện chất lượng giao thông và không khí đô thị”, ông Tạo cho biết.
Song song với các chính sách hỗ trợ, Bộ Xây dựng đang triển khai nghiên cứu và kế hoạch mở rộng hệ thống xe buýt điện liên tỉnh và nội đô, nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Ông Tạo cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong nước.
Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng nhấn mạnh, chuyển đổi sang giao thông xanh không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. “Với sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, Việt Nam sẽ từng bước đạt được những kết quả tích cực trên hành trình phát triển bền vững”, ông Tạo khẳng định.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông (nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản GTVT) nhấn mạnh, chuyển đổi xanh là trách nhiệm mang tính toàn cầu.
“Chuyển đổi xanh là cơ hội để Việt Nam bứt phá, thúc đẩy kinh tế xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Phát triển kinh tế xanh cũng tạo động lực mạnh mẽ cho đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và đảm bảo phúc lợi cho người dân. Đây là thời điểm cần sự chung tay của toàn xã hội để phát triển bền vững và mạnh mẽ”, ông Thủy nhấn mạnh.