A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêu chí phân loại phim: “Bức tường lửa” bảo vệ khán giả

Để quản lý chất lượng và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả, theo Thông tư mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 20/5/2023, phim ảnh Việt Nam phải hiển thị mức độ phân loại phim và cảnh báo tới người xem.

Bảy tiêu chí để phân loại phim gồm chủ đề, nội dung; bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; kinh dị; ngôn ngữ thô tục và hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Nhiều phim gây tranh cãi

Một số phim Việt thời gian qua đã vấp phải tranh cãi bởi những cảnh “nóng” như: “Thất sơn tâm linh” (Thiên linh cái), “Ngôi nhà trong hẻm”, “Người bất tử”, “Bi đừng sợ”, “Lời nguyền gia tộc”... Như phim “Vợ ba” từng gây xôn xao suốt một thời gian dài bởi những cảnh nhạy cảm, nhất là khi một nữ diễn viên mới 13 tuổi đã phải đóng cảnh “nóng” mà không có diễn viên đóng thế. Dù bộ phim thu được một số giải thưởng quốc tế nhưng chỉ công chiếu được 4 ngày thì phải rút khỏi các rạp.

“Chị chị em em 2” với một số cảnh nữ diễn viên mặc hở hang đã nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội, đến mức gần đây một rạp phim đã sử dụng chi tiết này làm chiêu thức quảng bá và thu hút khán giả, dẫn đến luồng tranh cãi phẫn nộ.

Không chỉ phim chiếu rạp, một số phim truyền hình chiếu vào “giờ vàng” cũng khiến khán giả chưa hài lòng vì những cảnh tình cảm quá táo bạo. Trong phim “Hành trình công lý”, cảnh “nóng” của nhân vật nam chính cũng nhận nhiều chỉ trích vì quá bạo dạn và lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người xem bức xúc. Hay phim “Anh có phải đàn ông” cũng vướng nhiều ý kiến cho rằng có những cảnh “nóng” không phù hợp với một bộ phim phát sóng khung “giờ vàng” trên sóng truyền hình.

“Tiếng sét trong mưa” cũng từng bị chỉ trích dữ dội vì nhiều cảnh “giường chiếu”, phản ánh mối quan hệ trái luân thường đạo lý.

Lo ngại hơn, trên internet, người xem mọi lứa tuổi vẫn có thể tiếp cận với những trang chiếu phim có hình ảnh 18+, nội dung vi phạm những điều cấm ở Luật Điện ảnh, thậm chí vi phạm pháp luật mà không hề có bất cứ cảnh báo nào. Với việc tiếp cận internet dễ dàng như hiện nay, điều này là mối nguy hại lớn với khán giả, đặc biệt là trẻ em. Trong khi đó, để “câu view”, nhiều trang chiếu phim thường dùng các cảnh phản cảm, bạo lực, kinh dị... để thu hút sự hiếu kỳ của người xem.

“Bức tường lửa” bảo vệ khán giả

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL gồm 6 điều về phân loại phim, áp dụng với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phổ biến phim. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2023.

Theo đó, Điều 2 quy định mức phân loại phim từ thấp đến cao gồm: Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi. Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên. Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên. Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên và loại C: Phim không được phép phổ biến.

Điều 3 là quy định về tiêu chí phân loại phim. Cụ thể, 7 tiêu chí để phân loại phim gồm chủ đề, nội dung; bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; kinh dị; ngôn ngữ thô tục và hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Đặc biệt, ở Điều 4 Thông tư quy định phim phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P và hiển thị cảnh báo trước, trong quá trình phổ biến phim. Nội dung cảnh báo là 7 tiêu chí phân loại phim được nhắc đến ở Điều 3. Trường hợp trong phim xuất hiện cả 7 tiêu chí phân loại, thì thực hiện cảnh báo đầy đủ các tiêu chí.

Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim, trên các phương tiện công cộng… phải hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói trước khi bắt đầu phổ biến phim. Vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.

Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và không gian mạng, việc hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 3 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim. Vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim. Hiển thị tối đa 3 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.

Quy định mới trên đây được coi là “bức tường lửa” bảo vệ khán giả trước sự “tấn công” của những nội dung phản cảm trong nhiều bộ phim hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan