A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh Trì cần quan tâm lưu trữ, số hóa các giá trị văn hóa để phát triển bền vững

Trong chuyến làm việc tại huyện Thanh Trì, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra số 01 Ban chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội đã đến thăm chùa Hưng Long và lưu ý địa phương gìn giữ, phát huy giá trị của lễ hội truyền thống và di tích nơi đây.

Đến thăm và dâng hương, đoàn công tác được Đại đức Thích Minh Tiến - trụ trì chùa Hưng Long giới thiệu về lịch sử, kiến trúc của ngôi chùa.

Đại Đức Thích Minh Tiến giới thiệu với đồng chí Nguyễn Văn Phong về kiến trúc, lịch sử của chùa Hưng Long
Đại Đức Thích Minh Tiến giới thiệu với đồng chí Nguyễn Văn Phong về kiến trúc, lịch sử của chùa Hưng Long

Chùa Hưng Long (thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lý. Chùa được khởi dựng năm 1011, năm Thuận Thiên thứ 2 (Tân Hợi) do vua Lý Thái Tổ ban chiếu và cấp tiền xây dựng. Chùa có kiến trúc "nội công ngoại quốc, tiền Phật hậu Thánh".

Đời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) Hoàng hậu Thượng Dương đã hạ sinh được nhị vị công chúa là Lý Từ Thục và Lý Từ Huy. Đến tuổi trưởng thành, nhị vị công chúa đã về chùa Hưng Long xuất gia đầu Phật và thu thần thị tịch tại Lăng Liên Hoa. Đến thời Lê sơ, hai sư tổ được sắc phong là Linh Thông Đại Bồ Tát. Nhân dân suy tôn là Nhị vị vương bà, Đại Thánh Bồ Tát. Đoàn công tác cũng đã đến dâng hương trước ban thờ nhị vị công chúa.

Thanh Trì cần quan tâm lưu trữ, số hóa các giá trị văn hóa để phát triển bền vững

Đại đức Thích Minh Tiến cho biết, trải qua hàng nghìn năm tồn tại, chùa Hưng Long đã được các thế hệ Tăng ni trụ trì và Nhân dân tín đồ Phật tử thập phương phát tâm công đức tôn tạo nhiều lần.

Năm 2004, UBND thành phố Hà Nội cấp ngân sách hơn 2 tỷ đồng để trùng tu tòa Tam bảo, gồm 7 gian tiền đường, hậu cung, 11 gian giải vũ bên trái thờ Đức Thánh Hiền và 3 gian nhà chương trước điện thờ Nhị vị Bồ Tát.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong dâng hương tưởng nhớ công lao của nhị vị công chúa
Đồng chí Nguyễn Văn Phong dâng hương tưởng nhớ công lao của nhị vị công chúa

Năm 2009, chùa được trùng tu, phục chế các hạng mục công trình còn lại: Hệ thống tượng thờ tại tòa Tam Bảo, tượng Thánh Mẫu, khám thờ, nhang án, hoành phi, câu đối, cửa võng và phục chế 3 gian điện thờ nhị vị Bồ Tát, 11 gian giải vũ bên phải (thờ Đức Ông), 10 gian điện thờ Thánh Mẫu, 14 gian Tổ đường, 12 gian nhà Tăng và phòng khách, tháp chuông, tháp trống và các công trình phụ trợ khác bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Năm 2010, UBND thành phố Hà Nội đã gắn biển chùa Hưng Long là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chùa Hưng Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và UBND thành phố Hà Nội công nhận là di tích lịch sử cách mạng.

Đồng chí lưu ý việc số hóa để chuyển đổi số và lưu trữ được lâu bền các giá trị văn hóa của nơi đây
Đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý việc số hóa để lưu trữ được lâu bền các giá trị văn hóa của nơi đây

Đến đầu năm 2017, diện tích chùa Hưng Long đã được mở rộng thêm hơn 2.500m² sau gần 6 năm hoàn tất thủ tục. Đại đức trụ trì đã tiến hành xây dựng giảng đường, trai đường và thư viện để phục vụ cho việc tu học của tăng ni, phật tử.

Đại đức Thích Minh Tiến đã bày tỏ lòng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và ngành văn hóa qua các thời kỳ để chùa được như ngày hôm nay.

Đặc biệt, cùng với kiến trúc, cảnh quan của chùa, hàng năm vào ngày 14, 15 và 16 tháng 3 Âm lịch, Nhân dân các làng Đông Phù, Đông Trạch, Tương Trúc, Tự Khoát, Mỹ Ả, Tranh Khúc, Văn Uyên, Mỹ Liệt và Ninh Xá tổ chức mở hội tri ân công đức của nhị vị Bồ Tát đã có công dạy Nhân dân trong vùng làm nghề ruộng và nghề thủ công. Với lòng thành kính công hạnh của nhị vị Bồ Tát, Nhân dân đã tạc tượng và thờ ở vị trí trang trọng tại chùa Hưng Long (Đông Phù), chùa Hưng Phúc (Tự Khoát) và chùa Phổ Quang (Ninh Xá).

Đây là lễ hội lớn trong vùng và đang được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng hồ sơ xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong tìm hiểu về các văn bia, sắc phong tại chùa
Đồng chí Nguyễn Văn Phong tìm hiểu về các văn bia, sắc phong tại chùa

Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Phong chia sẻ về cảm nhận sự trang nghiêm, ấm cúng, ngăn nắp của chùa Hưng Long và biểu dương những nỗ lực của Đại đức cũng như Nhân dân đã cùng trùng tu, tôn tạo chùa.

Đồng chí đánh giá cao việc Nhân dân địa phương duy trì được lễ hội truyền thống để tri ân với những bậc tiền nhân có công với dân, với đất nước, đặc biệt là Nhị vị công chúa thời Lý có công với 10 làng ở đây, thể hiện tinh thần Phật giáo nhập thế, là biểu hiện cho sự chăm lo của chính quyền với Nhân dân khi xưa.

Với ý nghĩa đó, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh lễ hội truyền thống của địa phương rất đáng trân trọng. "Không có lý gì các cụ đã duy trì được gần ngàn năm nay mà mình không tiếp tục, nhất là trong quá trình đô thị hóa như hiện nay", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh và chỉ đạo địa phương phải đặc biệt giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại chùa Hưng Long
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại chùa Hưng Long

Đồng chí hoan nghênh huyện Thanh Trì và nhà chùa đề xuất lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, trước hết là cấp thành phố sau đó là cấp quốc gia với mục tiêu để bảo tồn, phát huy.

"Huyện Thanh Trì là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử trong đó có truyền thống Phật giáo, nên rất cần phải được quan tâm lưu trữ, số hóa các giá trị đó. Có lưu trữ được các giá trị đó thì văn hóa mới giữ được bản sắc và phát triển bền vững và toàn diện", đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật