Phục dựng tượng vị thần bảo hộ mệnh cho các sĩ tử xưa
Thời khoa cử phong kiến thịnh hành, Văn Xương đế quân được tôn là vị thần của học vấn và trí tuệ. Bởi vậy, các sĩ tử thường đến những nơi thờ ngài dâng lễ và ngủ lại để cầu mộng.
![]() |
Đền Quán Thánh - nơi từng thờ Văn Xương đế quân. |
Đền Quán Thánh - nơi đầu tiên thờ đức Văn Xương
Ngày 16/4, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương ký quyết định về việc phục chế tượng thờ thần Văn Xương đế quân tại di tích đền Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội).
Trước đó, UBND TP Hà Nội có công văn đề nghị Bộ VH,TT&DL cho ý kiến về việc khôi phục tượng thờ, vị trí thờ phụng thần Văn Xương đế quân tại di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh. Ngoài hồ sơ bản vẽ thiết kế dự kiến vị trí đặt tượng, UBND TP Hà Nội cũng lấy ý kiến các nhà khoa học về việc khôi phục tượng thờ và vị trí thờ phụng thần Văn Xương.
Sau khi nghiên cứu, Bộ VH,TT&DL thống nhất việc phục chế tượng thần Văn Xương theo mẫu tượng thần Văn Xương đế quân đang được thờ tại đền Ngọc Sơn. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu địa hình thực tế vị trí đặt tượng để khôi phục một kiến trúc biệt lập phía đằng sau nơi thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.
Theo sách “Đình và đền Hà Nội” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Long, trong tổng số 130 ngôi chùa, 173 đình và đền trên địa bàn Hà Nội thì chỉ có đền Ngọc Sơn và Quán Thánh là có thờ hoặc đã từng thờ đức Văn Xương. Trong đó, đền Quán Thánh từng thờ vị thần này, sau lại thay đổi.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Long, Văn Xương đế quân là vị thánh của Đạo giáo, được thờ rộng rãi ở Trung Quốc. Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Nguyễn Công Định đi sứ Trung Quốc đem tượng thánh về thờ chung với Huyền Thiên Trấn Vũ ở Trấn Vũ Quán. Đến năm 1843, Hội Hướng Thiện rước từ Trấn Vũ Quán về thờ ở đền Ngọc Sơn. Từ đó, đền Quán Thánh không còn thờ đức Văn Xương nữa.
Ngoài các nguồn sử liệu như: “Trấn Vũ Quán lục”, “Trấn Vũ Thành mộng ký”, trong sách “Quán Thánh” của tác giả Nguyễn Đức Dũng xuất bản năm 2022 cũng khẳng định đền Quán Thánh từng thờ Văn Xương đế quân - cũng là vị thánh được thờ tại đền Ngọc Sơn hiện nay.
Như vậy có thể thấy, đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương sau đền Quán Thánh. Tại đền Ngọc Sơn hiện nay, Trung cung đền là nơi đặt tượng Văn Xương theo thế ngồi chính giữa ở phía sau cùng, phía trước có tượng Lã Tổ - một trong ba vị tổ Đạo giáo; phía trước Lã Tổ là tượng Quan Thánh Đế nhỏ hơn; hai bên có tượng thần Thiên Khôi và thần Thiên Việt, Quan Bình và Chu Thương.
Ngoài ra, còn một số địa điểm được cho là từng thờ Văn Xương đế quân, trong đó có đền Thánh Văn Xương (thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông cũ), đền Tử Đồng đế quân trên núi Hoàng Xá (Quốc Oai), Linh Tiên quán (Hoài Đức), Văn Hiến Đường (Đan Phượng), Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Tại TPHCM cũng có một số nơi thờ thánh Văn Xương nhưng hầu hết là chùa, không phải các quán thuộc Đạo giáo.
Vị thần hộ mệnh của sĩ tử
Hình ảnh số hóa 3D tượng Văn Xương đế quân.
Theo các tài liệu lịch sử, Văn Xương đế quân hay Văn Xương Tinh còn được gọi là: Tử Đồng, Văn Xương đế, Tế Thuận vương, Anh Hiển vương, Tử Đồng phu tử… là vị thần được dân gian lẫn Đạo giáo tôn sùng là thần chủ quản công danh phúc lộc của sĩ nhân trong thi cử, trợ giúp cho người đọc sách, viết văn.
Tương truyền, việc thờ phụng Văn Xương Tinh đã có từ thời nhà Chu. Trong “Tinh kinh” nói, sao Văn Xương là chủ về văn tự, lý lẽ, quản về văn chương chữ nghĩa, cho nên từ xưa, học trò và nhân sĩ đều sùng bái. Từ thời Tùy - Đường, khoa cử thịnh hành, được người học và giới văn nhân tôn lễ lạy cầu gọi là Văn Xương.
Người xưa cũng tin nếu ai được Văn Xương Tinh cầm bút chấm tên thì học hành sẽ công thành danh toại. Chính bởi quan niệm ấy mà đến đời nhà Nguyễn, đại quan và cũng là nhà khoa bảng nức tiếng đất Thăng Long là Nguyễn Văn Siêu đã cho dựng “đài nghiên, tháp bút” trước cổng đền Ngọc Sơn, làm phong phú hơn quan niệm huyền bí này.
Theo giải thích, tục cầu mộng của sĩ tử Việt thời xưa bắt nguồn từ tích truyện đức Văn Xương giáng bút, bảo cứ ngày 1 tháng 6 âm lịch hàng năm sẽ ứng mộng cho sĩ tử được biết việc thi cử. Bởi vậy vào ngày này ngoài việc nho sinh, sĩ tử đến dâng lễ, họ còn xin ngủ lại tại những nơi thờ Văn Xương để cầu mộng.
Việc cầu mộng không chỉ là một tín ngưỡng, mà còn xuất hiện trong các giai thoại về một số vị đại khoa. Tương truyền, một đêm Nguyễn Minh Triết đến cầu mộng ở chùa Hương Hải. Khi thiếp ngủ thì được thần nhân tới báo: “Độc thư đáo lão vị thành danh”. Ông lẩm nhẩm dịch: “Có học đến già cũng không đỗ”.
Thi xong, từ kinh thành về, bà vợ trông thấy gạn hỏi. Ông thật thà: “Đề thi ra 12 mục, tôi làm đủ 4 mục, còn để sót lại 8 mục”. Bà vợ chu chéo: “12 mục lại để sót những 8 mục, thì thử hỏi còn đỗ làm sao được?”. Ông chống chế: “4 mục mà làm đủ có khi còn hơn cả 12 mục làm thiếu”.
Nửa tháng sau, người chủ trọ ở kinh thành đến báo tin ông đỗ đầu khoa thi. Lúc này nhớ lại chuyện được thần báo mộng, Nguyễn Minh Triết mới hiểu “độc thư đáo lão vị thành danh” mang ý nghĩa đọc sách đến già, năm “Mùi” thì thành danh. Chữ “vị” còn có nghĩa là năm Mùi.
Chuyện chấm thi năm Tân Mùi (1631) có một số tư liệu chép lại rằng, khi chấm bài các quan thấy có bài thi làm rất tốt, nhưng lại chỉ hoàn thành có 4 đề mục, về lý thì không đỗ. Nhưng vì bài làm quá hay nên các quan quyết định để riêng ra rồi xét sau.
Sau khi trình chúa các quyển đậu, chúa hỏi: “Những quyển định lưu xét kỳ này, có quyển nào hay không?”. Các quan mới bẩm có một bài làm 4 đầu mục rất tốt, nhưng lại sót 8 đầu mục. Chúa nói rằng: “Thơ một câu, phú một liễn. Một câu hay còn có thể lấy, huống hồ là 4 mục”.
Khoa thi ấy, Nguyễn Minh Triết đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh. Khoa thi này triều đình không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn nên Nguyễn Minh Triết đỗ đầu - gọi là Đình nguyên Thám hoa, khi ấy ông đã 53 tuổi.
Tại nước ta, trước khi bước vào trường thi, nhiều sĩ tử thành kính cúng bái Văn Xương đế quân cầu trí tuệ và gia tăng vận may trong công danh, thi cử và có nhiều điềm ứng. Một số vị đại khoa như Lê Quý Đôn, Phạm Công Trứ, Nguyễn Quốc Trịnh, Nguyễn Đảng Đạo… đều để lại những giai thoại tới đền Quán Thánh cầu mộng và được thần báo cho những điều ứng nghiệm.