A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ vọng các loại hình sân khấu truyền thống hỗ trợ nhau phát triển

Từ 1.7.2025, Nhà hát sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam sẽ ra đời sau khi hợp nhất 3 nhà hát: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Kỳ vọng các loại hình sân khấu truyền thống hỗ trợ nhau phát triển

Nghệ thuật tuồng có chiều dài lịch sử phát triển, từng có đời sống hưng thịnh. Ảnh: Huyền Chi

Sáp nhập sẽ là cơ hội lớn cho cả 3 nhà hát

Trả lời phóng viên Lao Động, ông Hoàng Văn Long - Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - cho biết, “Việc sáp nhập là yêu cầu tất yếu của thời đại, sáp nhập để tinh gọn hơn, mạnh hơn, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Chính chúng tôi đã viết đề án, cùng thông qua với lãnh đạo Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, sau đó trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong lộ trình sắp tới, chúng tôi cần 3 năm để kiện toàn bộ máy chung, trước mắt, chúng tôi cùng hỗ trợ nhau, cùng xem xét phương hướng để hoạch định kế hoạch hoạt động chung.

Chúng tôi cũng đề xuất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn hỗ trợ 3 nhà hát về kinh phí dựng vở như từ trước tới giờ, mỗi năm cấp kinh phí dựng 2 vở cho mỗi nhà hát, 3 nhà hát là 6 vở diễn”.

Ông Hoàng Văn Long phân tích những lợi thế trước mắt khi 3 nhà hát sáp nhập. “Sẽ có nhiều lợi thế, tôi lấy đơn cử, nhà hát tôi hiện tại chỉ có 50 nhân sự diễn viên và nhạc công. Trong khi, chúng tôi thường dựng những vở diễn cần đến hàng trăm nhân sự. Trước đây, chúng tôi từng phải tính đến phương án thuê diễn viên đóng quần chúng, nhưng thực sự rất tốn kém, vượt quá sức chi trả, nên luôn phải dựng vở trong sự tính toán về đủ mọi mặt, trong đó cả sử dụng nhân sự ít ỏi. Giờ đây, khi dựng vở cần diễn viên quần chúng, diễn vai phụ... cả 3 nhà hát đều có thể sử dụng diễn viên của nhau, không còn phải lo lắng”.

“Phải nhìn ra vấn đề của từng nhà hát, từng lĩnh vực khi hợp nhất”

Theo ông Hoàng Văn Long, sân khấu tuồng trong nhiều năm qua đã nỗ lực bán vé, tìm nhiều cách tiếp cận khán giả, xây dựng các kênh quảng cáo hình ảnh trên các nền tảng số... Ngoài ra, họ ký kết hợp đồng biểu diễn với các ban tổ chức lễ hội ở nhiều tỉnh thành để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống nghệ sĩ.

Tuy nhiên, tuồng vẫn gặp những khó khăn về đào tạo, kịch bản, nghệ sĩ theo tuồng ngày càng ít... Theo đó, khoảng 10 năm mới có một khóa đào tạo về tuồng ở Đại học Sân khấu Điện ảnh do có ít thí sinh đăng ký học.

Diễn viên Hán Văn Phương sinh năm 1995, quê Phú Thọ bắt đầu công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam từ năm 2018, sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành diễn viên tuồng tại Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Diễn viên Hán Văn Phương nói: “Đồng lương ở nhà hát ít ỏi, khi mới vào công tác, tôi chỉ nhận được 1,8 triệu đồng”.

Hán Văn Phương theo tuồng do sinh ra trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, ông là NSƯT Hán Văn Thân, bà là NSND Hồng Khiêm. Cả hai ông bà đều gắn bó cả đời với Nhà hát Tuồng Việt Nam. Em trai Hán Văn Phương theo nghệ thuật chèo.

Khi hai anh em theo nghệ thuật truyền thống, ông bà rất vui vì có cháu nối nghiệp.

Tuồng còn gặp khó khăn về kịch bản. Ông Long khẳng định, thị trường hiện nay gần như chẳng có biên kịch nào được đào tạo về kịch bản tuồng có đủ đam mê, theo đuổi nghề đến cùng. Bởi kịch bản tuồng phải viết được chuẩn chỉnh phần hát cho nhân vật, phần hát này được viết theo thể thơ có gieo vần và được quy định chi tiết đúng với từng làn điệu trong tuồng.

Chúng ta đang thực hiện công nghiệp văn hóa lấy bản sắc văn hóa dân tộc là trọng điểm. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước như hiện tại, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, việc sáp nhập sẽ giúp các loại hình sân khấu truyền thống - mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như chúng tôi sẽ có thêm cơ hội để khắc phục khó khăn, hỗ trợ nhau, xây dựng kế hoạch chung cùng phát triển” - ông Hoàng Văn Long nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật