A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ sĩ trẻ viết tiếp giai điệu tự hào

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, những giai điệu bất hủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lý tưởng cách mạng vẫn vang lên đầy cảm xúc trong lòng người Việt.

Nghệ sĩ trẻ viết tiếp giai điệu tự hào

Ca sĩ Anh Tú biểu diễn tại đêm nghệ thuật “Người là Hồ Chí Minh” cùng những giai điệu bất hủ. Ảnh: Hải Nguyễn

Sứ mệnh của thế hệ trẻ

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những ca khúc đi cùng năm tháng vang lên, đồng thời những tác phẩm mới sáng tác cũng được giới thiệu đến hàng triệu đồng bào. Trong số đó, có thể kể đến 2 ca khúc mới: “Người là Hồ Chí Minh” (Anh Tú sáng tác) và “Hồ Chí Minh - Mặt trời chân lý” (Hoàng Hồng Ngọc sáng tác).

Trong đêm nhạc “Người là Hồ Chí Minh”, 2 nhạc phẩm vang lên ở Quảng trường Ba Đình, trở thành cột mốc đặc biệt trong sự nghiệp của 2 nghệ sĩ trẻ. Chia sẻ với phóng viên Lao Động, ca sĩ Anh Tú, người vừa bước ra từ chương trình Anh trai say hi, hạnh phúc vỡ òa: “Tôi sáng tác, viết lời bằng tâm can, cả tình yêu, bao năm chắt chiu để hoàn thành ca khúc và hát đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi cảm thấy vinh dự, may mắn vô cùng và cả sự tự hào. Chỉ trong 1 tuần, tôi được Giám đốc âm nhạc Lê Anh Thủy giao sáng tác và hoàn thiện ca khúc này. Đó là cơ hội mà tôi rất trân trọng khi được đứng trên sân khấu đặc biệt, có nhiều ý nghĩa như thế này”.

Ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc cũng nghẹn ngào khi hát “Hồ Chí Minh - Mặt trời chân lý” lần đầu tiên ở Quảng trường Ba Đình. Ca sĩ gọi bài hát này là lòng thành kính dâng lãnh tụ vĩ đại, mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua lăng kính của thế hệ nghệ sĩ sống trong hòa bình, những ca khúc ca ngợi quê hương đất nước tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, lòng quyết tâm dựng xây tổ quốc. Như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kể lại, anh sinh ra trong hòa bình, vì thế ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” cũng nói về chủ đề gần gũi, thân thuộc hơn. Tác phẩm đã đạt hàng tỉ lượt nghe trên nhiều nền tảng, cho thấy các tác phẩm ca ngợi quê hương vẫn có sức hút mãnh liệt.

Kết nối niềm tự hào dân tộc qua văn hóa, lịch sử

Trong không gian văn hóa đương đại, những ca khúc về cách mạng, ngợi ca tình yêu quê hương đất nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là di sản lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Sự khác biệt trong cách thể hiện giữa các nghệ sĩ gạo cội và thế hệ trẻ đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu, phản ánh sự phát triển của âm nhạc Việt Nam qua các thời kỳ.

Hình ảnh Hòa Minzy cùng các em nhỏ hát vang “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, NSƯT Đăng Dương cùng ca sĩ Viết Danh song ca các bài hát ca ngợi Đảng... cho thấy sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của nhạc cách mạng. Hay trước đó, màn thể hiện của dàn ca sĩ trẻ như Anh Tú, Phương Mỹ Chi, Hòa Minzy... tại các buổi lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng thổi làn gió mới cho các ca khúc đi cùng năm tháng.

Ca sĩ Viết Danh nói: “Khi hát những ca khúc cách mạng đã đi cùng năm tháng, chính tôi cũng cảm thấy rất khó. Tôi luôn hát bằng sự đam mê, nhiệt huyết, đồng thời tiếp bước những thế hệ trước truyền tải sức trẻ của mình. Tôi ý thức rằng mình phải luôn rèn luyện, tu dưỡng về chuyên môn, đổi mới bản thân, phát huy điểm mạnh để vừa có thể làm mới nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống của những tác phẩm bất hủ”.

NSND Trung Đức cho rằng, thế hệ những nghệ sĩ đi qua chiến tranh, họ đã hát và sáng tác bằng cảm xúc, trải nghiệm cá nhân, bằng tình yêu và sự chiến đấu, sẵn sàng hy sinh tất cả.

Thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay, lớn lên trong hòa bình, sẽ sáng tác và thể hiện tác phẩm bằng tình yêu, sự tri ân dành cho thế hệ cha anh và trên tất cả là niềm tự hào dân tộc.

Chính tình yêu dành cho quê hương, đất nước, cho lãnh tụ vĩ đại đã kết nối các thế hệ nghệ sĩ với nhau, làm nên giá trị trường tồn cho dòng nhạc cách mạng, nhạc đỏ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật