A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều bệnh viện bị mạo danh để trục lợi trên mạng

Chỉ với vài chiêu trò trên mạng xã hội, nhiều phòng khám không phép đã mạo danh các bệnh viện lớn để thu hút bệnh nhân. Hậu quả là nhiều người vừa mất tiền, vừa mang bệnh nặng hơn vì tin vào hình ảnh trên Facebook, TikTok, Zalo...

Nhiều bệnh viện bị mạo danh để trục lợi trên mạng

Các trang mạng xã hội giả danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Đại diện bệnh viện cung cấp

Trắng trợn mượn danh bệnh viện lớn

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát hiện nhiều fanpage giả mạo sử dụng tên gọi, hình ảnh, logo để đăng thông tin sai lệch, quảng cáo ưu đãi khám chữa bệnh giả mạo. Bệnh viện khẳng định chỉ có một fanpage chính thức: “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” (tích xanh) và website http://benhvien108.vn.

Bệnh viện cảnh báo: các hành vi mạo danh không chỉ ảnh hưởng uy tín đơn vị mà còn đe dọa đến sức khỏe, tài sản người dân. Đặc biệt, nhiều cơ sở còn dựng “phòng livestream”, thuê người giả bác sĩ mặc blouse trắng để tư vấn online, cam kết “khỏi bệnh sau 1 liệu trình” để lừa bệnh nhân.

Thậm chí, một cơ sở thẩm mỹ tại TP Bắc Ninh còn mạo danh Bệnh viện 108 để quảng cáo dịch vụ “kéo dài cậu nhỏ, tăng thời gian quan hệ”.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt - Chủ nhiệm Khoa Nam học của bệnh viện - khẳng định cơ sở trên là giả mạo, không có liên kết nào. Ông nhấn mạnh, sóng xung kích không có tác dụng kéo dài hay làm to dương vật như quảng cáo.

Bệnh viện khuyến cáo: không tin tưởng các fanpage không có tích xanh, các chương trình ưu đãi không rõ ràng; không chuyển tiền hay cung cấp thông tin cá nhân qua các trang giả mạo. Khi thấy dấu hiệu bất thường, người dân cần báo cáo với Facebook và cơ quan chức năng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Nhiều fanpage, tài khoản giả mạo tên tuổi bệnh viện để thu phí dịch vụ, thậm chí lừa đảo người dân.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - cho biết, có tài khoản giả danh “Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Tuyển dụng và Đào tạo”, dùng logo cũ và sao chép nội dung từ fanpage chính thức để dụ người đăng ký khóa học “ma”.

Bệnh viện nhấn mạnh: Chỉ sử dụng duy nhất fanpage chính thức và không chịu trách nhiệm với những thiệt hại từ các trang mạo danh.

Chiêu trò giả bác sĩ tràn lan

Dù đã nhiều lần cảnh báo, tình trạng mạo danh bác sĩ, bán thuốc qua mạng vẫn phổ biến. Các đối tượng sử dụng hình ảnh bác sĩ thật, tên bệnh viện lớn để tạo niềm tin và dụ bệnh nhân mua thuốc không rõ nguồn gốc. Một số bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch vì tin quảng cáo giả.

Trước đây, chỉ là “cò” đứng trước cổng bệnh viện dụ dỗ bệnh nhân. Gần đây, thủ đoạn tinh vi hơn với website, Facebook, Zalo giả mạo bác sĩ, bệnh viện có hình ảnh, thông tin rất giống thật. Một bệnh nhân nữ 60 tuổi ở Hải Dương bị hoại tử sau khi đi nâng mũi theo quảng cáo giả mạo tên bác sĩ của bệnh viện.

Các trang mạng xã hội giả danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Đại diện bệnh viện cung cấp

Các trang mạng xã hội giả danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Đại diện bệnh viện cung cấp

Phòng khám “ma” tràn lan trên mạng

Khảo sát cho thấy, các phòng khám giả chủ yếu tiếp cận bệnh nhân qua mạng xã hội. Họ chạy quảng cáo trên Facebook, TikTok, Zalo để nhắm đến người tìm kiếm các từ khóa về da liễu, sản phụ khoa, thẩm mỹ… Khi người dùng để lại số điện thoại, lập tức có người gọi điện, nhắn tin mời đến khám.

Nhiều đơn vị còn lập website giả, sử dụng tên miền dễ gây nhầm lẫn với bệnh viện như: benhviendalieutw.net, bvphusansg.org… Các trang này cắt ghép hình ảnh từ báo chí, tối ưu từ khóa để hiển thị lên đầu trang Google, dễ đánh lừa người dùng.

Sau khi dụ được người đến phòng khám, họ tiếp tục “giăng bẫy” bằng cách hù dọa bệnh tình nghiêm trọng, đưa ra phác đồ điều trị đắt đỏ kèm khuyến mãi “chỉ áp dụng hôm nay”. Nhiều người vì lo sợ và thiếu hiểu biết đã bị lừa chi hàng chục triệu đồng.

Trước tình trạng trên, nhiều bệnh viện lớn như: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi Trung ương... đã phải lên tiếng cảnh báo, đăng công khai các kênh chính thức và đề nghị người dân không tin vào các trang mạng không xác thực. Một số bệnh viện còn gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng xử lý, đồng thời đẩy mạnh truyền thông trên các kênh chính thống.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật