A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đong đầy cảm xúc đêm nhạc “Giấc mơ Trịnh”

“Giấc mơ Trịnh” đã trở thành hiện thực, bởi mỗi nghệ sĩ Trịnh Ca góp vào một mảnh ghép, cùng sự ủng hộ của Trịnh khách và sự chia sẻ, nâng đỡ của những tên tuổi lớn.

Liveshow đặc biệt “Giấc mơ Trịnh” diễn ra tối 1/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình do phòng trà Trịnh Ca cùng Vàng son một thuở thực hiện. Chương trình quy tụ đông đủ các nghệ sĩ của phòng trà như: Lê Tâm, Diệu Thúy, Bích Ngọc, Tuấn Anh, Mai Loan, Minh Đức, Trần Tuấn Hòa, Nhật Thảo, Anh Phong, Thanh Hương, Trí Anh, Nhật Trường, Huy Quyết, Hoàng Trang và Nguyễn Đông…

Đong đầy cảm xúc đêm nhạc “Giấc mơ Trịnh”
Đêm nhạc "Giấc mơ Trịnh" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 1 và 2/4

Các "nghệ nhân" hát nhạc Trịnh cùng thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời mình là đứng giữa thánh đường âm nhạc Việt Nam để cất lên "tiếng ca bắt nguồn từ đất khô" để tình yêu nhạc Trịnh của người nghệ sĩ cùng với khán giả hòa vào nhau…

Tình yêu nhạc Trịnh hòa quyện vào nhau

Với kết cấu ba chương: Giấc mơ Trịnh, Hãy yêu nhau đi và Dấu chân địa đàng, chương trình đưa khán giả đi qua hành trình mơ mộng và lớn dần của Trịnh Ca thông qua cách hiểu, cách hát riêng của mỗi ca sĩ trên nền những giai điệu và ca từ quen thuộc, thông qua nhiều lát cắt về tình yêu, thân phận con người và những bài hát cho quê hương mà Trịnh Công Sơn đã viết.

Các nghệ sĩ cháy hết mình trên sân khấu
Các nghệ sĩ cháy hết mình trên sân khấu

Chương 1 Giấc mơ Trịnh, khán giả bắt đầu giấc mơ cùng những nốt nhạc, những cơn mưa, những câu chuyện tình, qua những ca khúc Diễm xưa (Diệu Thuý), Còn tuổi nào cho em (Thanh Hương), Mưa hồng (Minh Đức - Nhật Thảo), Nắng thủy tinh (Trịnh Trí Anh)… Giấc mơ đã bắt đầu như thế! Một người đi tìm giấc mơ, rồi hai người, ba người, nhiều người cùng quy tụ. Nhờ sự đón nhận của khán giả, người nghệ sĩ bắt đầu xây dựng giấc mơ đời mình.

Họ đã thực hiện “Giấc mơ Trịnh” trên”thánh đường âm nhạc” Nhà hát Lớn
Họ đã thực hiện “Giấc mơ Trịnh” trên”thánh đường âm nhạc” Nhà hát Lớn

Trải lòng những tâm tư về nhạc Trịnh, nghệ sĩ cứ hát, cứ yêu, yêu khán giả và được khán giả yêu. Tình yêu cũng là đề tài bất tận trong những bản nhạc Trịnh. Dù ở trạng thái nào, những lúc hạnh phúc và cả khi dang dở tình yêu đều đẹp, đều là máu thịt. Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình.

Chương 2 Hãy yêu nhau đi là tình yêu với sức cảm hóa diệu kỳ qua Chiếc lá thu phai (Bích Ngọc), tình yêu cứu rỗi khổ đau qua Hoa vàng mấy độ (Nhật Thảo), Này em có nhớ (Tuấn Hòa) và Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui (Trí Anh, Nhật Trường, Huy Quyết)…

Phần 3 Dấu chân địa đàng là những lời ca, tiếng đàn đưa những dấu chân in khắp mọi nơi, là tình yêu với nhạc Trịnh và sự yêu thương của khán giả dành cho Trịnh Ca, qua: Dấu chân địa đàng (Bích Ngọc), Hạ trắng (Lê Tâm), Đêm thấy ta là thác đổ (Diệu Thúy), Rừng xưa đã khép (Trần Tuấn Hòa), Cũng sẽ chìm trôi (Nhật Trường), Sóng về đâu (Mai Loan)…

Những giọng hát đưa khán giả qua nhiều miền cảm xúc
Những giọng hát đưa khán giả qua nhiều miền cảm xúc

Trên sân khấu Nhà hát Lớn, Bích Ngọc, Mai Loan khẳng định là những giọng hát trải nghiệm, cảm xúc; Diệu Thúy giữ được sự hồn nhiên mộc mạc; Lê Tâm trưng trổ giọng hát kỹ thuật mà cảm xúc… Gương mặt trẻ Nhật Trường gây ấn tượng với ca khúc Cũng sẽ chìm trôi, kết hợp với màn trình diễn của guita Đạo Nguyễn, Percussion Trần Xuân Hòa và Violin Ngọc Tùng thực sự khiến khán phòng Nhà hát Lớn “bùng nổ”.

Ca sĩ Tuấn Anh thể hiện ca khúc “Chiều một mình qua phố”
Ca sĩ Tuấn Anh thể hiện ca khúc “Chiều một mình qua phố”

Nhạc sĩ Nguyễn Quang gửi tặng món quà đặc biệt cho khán giả, đó là bản hòa tấu piano Biển nhớ được khán giả dành những tràng pháo tay dài tán thưởng. Ngoài ra, anh còn đệm đàn cho ca sĩ Lê Tâm hát Phôi pha.

Ca sĩ Mai Loan
Ca sĩ Mai Loan

Sự xuất hiện của cặp đôi “hiện tượng nhạc Trịnh” Hoàng Trang và Nguyễn Đông nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Hai ca khúc Ở trọ và Ru em từng ngón xuân nồng qua giọng hát mộc mạc, sâu lắng Hoàng Trang cùng tiếng đàn guitar của Nguyễn Đông đã tạo nên sự kết hợp hoàn hảo, đã nhận tràng pháo dài không ngớt của khán giả.

Khi được MC Kim Nguyên Bảo hỏi về cơ duyên đến với “giấc mơ Trịnh”, Hoàng Trang kể: “12 tuổi ba mẹ cho đi hát, giao lưu, nhạc Trịnh giúp Trang đứng trên sân khấu nhỏ, giúp Trang có những khán giả đầu tiên của mình”.

Trong khi Nguyễn kể lại, trước đây anh thích nhạc thị trường vui tươi, nhưng sau một lần vô tình nghe Trang hát Dấu chân địa đàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì anh bị ám ảnh. "Từ đó hàng tuần Đông đều xách xe máy chạy từ nhà tới đó khoảng 25km để nghe Trang hát. Rồi từ từ bắt chuyện làm quen luôn". Và hiện giờ, Hoàng Trang hát, Nguyễn Đông đàn, họ luôn đồng hành cùng nhau trên mọi nẻo đường.

Hoàng Trang và Nguyễn Đông
Hoàng Trang và Nguyễn Đông

Dù lên sân khấu Nhà hát Lớn nhưng không gian Trịnh Ca gần như không thay đổi quá nhiều. Hình ảnh những hàng tre, không gian Trịnh Ca với những chiếc ghế mộc, và cả những Trịnh khách được nghệ thuật hoá lên sân khấu. Một dòng chữ Giấc mơ Trịnh, giản dị mà gửi gắm những thông điệp ý nghĩa từ những người thực hiện.

Hiện thực hóa “Giấc mơ Trịnh”

“Giấc mơ Trịnh” đã trở thành hiện thực, bởi mỗi nghệ sĩ Trịnh Ca góp vào một mảnh ghép, cùng khán giả và sự chia sẻ, nâng đỡ của những tên tuổi lớn. Một trong số đó phải kể đến Tổng đạo diễn chương trình - nhạc sĩ Nguyễn Quang, người con trai tài năng của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, một đạo diễn âm nhạc và tổ chức biểu diễn được đào tạo bài bản tại LA Music Colleges, Giám đốc âm nhạc hai chương trình nhạc xưa nổi tiếng Sol Vàng và Tình khúc vượt thời gian…

Nghệ sĩ Đạo Nguyễn
Nghệ sĩ Đạo Nguyễn

Người anh lớn của các nghệ sĩ Phòng trà Trịnh Ca, giúp các nghệ sĩ tự tin kể giấc mơ của mình. Nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ: “Những nghệ sĩ Trịnh Ca được khán giả yêu mến từ lâu. Có thể họ không phải những ngôi sao nhưng khi họ thực hiện được ước mơ, thì sẽ cảm xúc hơn cả những nghệ sĩ đã thành danh”.

“Cảm nhận của khán giả với Giấc mơ Trịnh chắc chắn khác đi. Nếu cứ xem một chương trình đã đóng khung từ trước đến nay, có nghĩa là bạn đang tưởng nhớ chứ không phải ngẫm lại mình là ai trong đây, "tôi là ai trong cuộc đời này". Các ca sĩ của Trịnh ca hát bằng trái tim của mình, đã thỏa nguyện ước mơ, hy vọng khán giả cảm nhận được và thấy mình trong đó” - nhạc sĩ Nguyễn Quang, bày tỏ.

undefined
Nhạc sĩ Nguyễn Quang

Mỗi người đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn bằng một cơ duyên khác nhau. Đó có thể là đêm hè nóng bức thuở nhỏ được ghé tai cạnh chiếc đài radio vang lên “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay…” hoặc những ngày mưa mất điện, bố ôm guitar ra sân nhà nghêu ngao “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”.

Cũng có thể sau một trải nghiệm dang dở trong tình yêu hay biến cố cuộc đời mà ta lựa chọn nương nhờ vào ca khúc của ông. Ai cũng có kỷ niệm và giấc mơ riêng mình một khi đã quy tụ thành tín đồ trong đền đài mang tên nhạc Trịnh.

Các nghệ sĩ Trịnh Ca
Các nghệ sĩ Trịnh Ca

Vì triết lý và nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn luôn hiện hữu, an ủi chúng ta mỗi ngày nên dẫu đã 22 năm trôi qua kể từ khi ông về với “thiên đường cuối trời thênh thang”, giới mộ điệu vẫn miệt mài khắc hoạ chân dung về người “đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”. Trong hành trình của những giấc mơ đó, 15 năm qua các Trịnh khách đã lui tới phòng trà Trịnh Ca, nương tựa vào âm nhạc Trịnh Công Sơn, nối tình yêu với nhạc Trịnh.

Đong đầy cảm xúc đêm nhạc “Giấc mơ Trịnh”

“Giấc mơ Trịnh” sẽ còn được viết tiếp tại Thánh đường Nhà hát Lớn tối 2/4, rồi quay lại phòng trà Trịnh Ca tại 223 Tô Hiệu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật