A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trôi theo cảm xúc cùng “Hà Nội chưa xa đã nhớ”

Viết tản văn, một thể loại văn học có khuynh hướng phóng khoáng và tự do, ít tính quy phạm, Vy Anh chọn cho mình hai đối tượng, hai lĩnh vực riêng để miêu thuật và bày tỏ cảm xúc. Đó là các trang đặc tả những kỷ niệm da diết của cô với Thủ đô yêu dấu, quê hương của cô có tên là “Hà Nội, bốn mùa thương nhớ”. Tiếp đó, đề tài thứ hai cô theo đuổi là những món ăn ở Thủ đô và cô đặt cho chúng một cái tên chung là “Món ngon Hà thành”.

Tản văn là thế đấy! Không câu nệ gò bó từ nội dung đến hình thức. Bạn có thể đề cập đến mọi vấn đề, mọi mặt của cuộc sống, miễn là từ đó bạn có thể và cần phải bộc lộ được tâm tư, cảm xúc cùng những cảm nhận của riêng mình. Nếu vậy thì phải nói ngay rằng, Vy Anh đã có một sự lựa chọn thông minh, sự lựa chọn mang dấu ấn rõ rệt cái tôi của cô!

Hai phần của cuốn sách, mỗi phần có đặc điểm riêng. Vy Anh là một tâm hồn đa cảm. Sinh ra ở Hà Nội. Lớn lên ở đây, trưởng thành từ đây. Neo giữ trong ký ức cô là con người, cảnh vật, cuộc sống, những gì cô đã trải qua ở mảnh đất thân yêu này.

Ở đây, tất cả mọi thứ, từ những gì nhỏ nhặt nhất, như một mùa cây thay lá, một sắc hoa, một tiếng chim, một ngọn gió, một làn hương… cũng có thể trở thành đối tượng để cô níu lấy, khám phá và ngạc nhiên, giúp cô bầy tỏ tình yêu dạt dào sâu xa với Hà Nội của mình.

Trôi theo cảm xúc cùng “Hà Nội chưa xa đã nhớ”
Nhà văn Ma Văn Kháng và tác giả Vy Anh

Cô yêu Hà Nội khi tháng Hai về “mưa xuân phơi phới, hoa xoan tim tím rụng vơi đầy” cùng hoa bưởi tỏa hương trong gió. Với cô, tháng Ba, thời điểm giao mùa giữa mùa xuân dịu dàng và mùa hạ nồng nàn, Hà Nội “đẹp nao lòng với những cánh hoa sưa trắng muốt bừng nở”.

Tháng Tư về, “những đóa hoa loa kèn như một lời hẹn hò” với cô, dịu dàng khoe sắc trên phố phường. Nắng tháng Năm dắt tay cô ngược dòng thời gian đi về tuổi thơ. “Mùa này, sấu trổ hoa. Những bông sấu trắng ngà hương thơm chua chua dìu dịu la đà theo gió”, vương trên làn tóc tuổi học trò của cô. Với cô, mưa tháng Tám “nhè nhẹ rấm rứt như nỗi nhớ không nguôi của những người yêu xa”.

Văn chương nó lạ thế đấy, đọc 38 bài viết trong “Hà Nội, bốn mùa thương nhớ”, những trang văn trữ tình ấm áp của Vy Anh, không thể không nhớ ra rằng, cô biên tập viên báo Pháp luật và Xã hội này đã từng theo học Thiết kế đồ họa. Vì nếu không thì sao lại có các trang viết kỹ lưỡng với cảm nhận thị giác tài tình chan chan sắc màu, ảnh hình đến thế?

Dạt dào cảm hứng có nhẽ là phần Vy Anh viết về các “Món ngon Hà thành”. Qua cách hành văn nhẹ nhàng và tinh tế, các món ngon của Hà thành mùa nào thức nấy được Vy Anh đưa vào những bài tản văn nhỏ xinh như: “Sấu à... sấu ơi. Bún chả Hà Nội, đi xa vẫn nhớ. Lách cách… lách cách… nộm đơi… Bún ốc nguội - món ăn đặc sắc của đất Hà thành. Nhớ lắm, chè đỗ đen Hà Nội xưa. Canh bóng nấu thả…”.

Ông Richard Sterling, nhà văn Mỹ chuyên viết về ẩm thực và du lịch đã qua 100 nước và viết không biết cơ man nào trang sách về các của ngon vật lạ trên hành tinh. Đến Việt Nam, ông mê ngay ẩm thực. Chắc hẳn ông Richard đã thưởng thức nhiều món ăn Việt. Giá như được thưởng thức thêm cả 30 món, như mấy món vừa kể trên trong cuốn sách của Vy Anh, hẳn ông sẽ càng yên tâm về nhận định của mình!

Còn tôi, đã lâu lắm rồi không còn biết đến mùi vị của món nộm đu đủ xanh ăn lúc trẻ, giờ đọc xong bài “Lách cách... lách cách... nộm đơi...” thì cứ như bên tai vừa rộn lên tiếng kéo khua của ông hàng nộm và khoái thú chưa, một lần nữa lại như được vừa ăn vừa xuýt xoa, xì xoạt… vì cái “tươi ngon giòn ngọt của sợi đu đủ xanh nạo, cái dai dai của thịt bò khô tẩm ướp ngũ vị, cái béo bùi của lạc quyện với nước mắm chua ngọt hòa cùng tương ớt cay the”. Ngôn ngữ văn chương qua năng lực sử dụng của Vy Anh thật tình là có cái hiệu quả đáng quý thế đấy!

Trôi theo cảm xúc cùng “Hà Nội chưa xa đã nhớ”
Tạp tản văn Hà Nội chưa xa đã nhớ của tác giả Vy Anh

Vậy đó, cái đẹp đẽ nhất trong văn chương mà con người có thể trải nghiệm được, đó chính là cái bí ẩn. Mà phát hiện ra cái bí ẩn trong những sự việc bình thường như thế lại chính là cảm thức nền tảng, quan trọng nhất của nghề viết, của người viết.

Vy Anh sở hữu một tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động, một đời sống nội tâm phong phú và có được những kỹ năng viết lách cơ bản. Với tản văn, số chữ dùng không được phép phung phí. Về mặt này, Vy Anh có ý thức trong dè xẻn và chọn lựa, cố gắng để mỗi câu chữ truyền tải một thông điệp có ý nghĩa. Dấu ấn cá nhân là tính nữ trong tản văn của Vy Anh thể hiện không chỉ ở chỗ chọn đề tài. Mà đậm đà hơn ở trong cách cảm, cách nghĩ và những cảm xúc tươi mới, tự nhiên, trong trẻo, chân thành, dồi dào và tinh tế.

Đọc tản văn của Vy Anh là trôi theo dòng cảm xúc, là như được thoát ra khỏi cái ồn ào nhộn nhàng thường khi, lảnh ra một góc trời tĩnh lặng, êm đềm, đắm mình vào nỗi nhớ, xốn xang trong hoài niệm, lắng nghe tiếng nói thầm thì của tạo vật và trân trọng thêm, yêu quý thêm cuộc đời. Chúc mừng thành công đầu tiên của Vy Anh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan