Trượt lớp 10 thành thủ khoa, thầy sai, trò mất 1 năm học
Do nhập nhầm điểm thi, một học sinh có điểm số trượt lớp 10 nhưng lại trở thành thủ khoa.
Chuyện xảy ra ở Trường THPT Lê Hồng Phong (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Học sinh được công bố thủ khoa trong kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT Lê Hồng Phong năm học 2024 - 2025, khi chấm lại bài thi lại trượt lớp 10. Nguyên nhân sai sót, theo Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, là do tổ hồi phách, lên điểm của Hội đồng chấm thi Trường THPT Ngọc Lặc đã lên nhầm điểm thi.
Thật là trớ trêu, nếu không có đơn thư phản ánh và nhà trường không tổ chức chấm lại, thì học sinh này là thủ khoa. Trớ trêu hơn, khi mọi chuyện rõ ràng, em lại phải thôi học.
Không đủ điểm trúng tuyển, đương nhiên em không được học, đó là công bằng. Nhưng có điều không công bằng với em, đó là các thầy chấm thi sai sót, dẫn đến tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" cho em.
Tiếp tục học ở Trường THPT Lê Hồng Phong không được, xin học trường khác cũng không xong, vì năm học mới đã bắt đầu hơn 1 tháng.
Đối với một học sinh lứa tuổi "teen", đây là cú sốc khá nặng. Gia đình em cho biết, em có dấu hiệu trầm cảm. Em không gian dối, danh hiệu thủ khoa lại được hội đồng thi tặng cho. Hiện tại, em bị mặc cảm, suy nghĩ tiêu cực.
Gia đình mong muốn em tiếp tục theo học ở Trường THPT Lê Hồng Phong, nhưng ngặt một điều, điểm thực của em không đủ đỗ vào trường, thì không có căn cứ để Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chấp thuận.
Chưa kể, nếu cho học sinh này tiếp tục học tại Trường THPT Lê Hồng Phong, sẽ có khiếu nại, khiếu kiện vì nhiều học sinh khác có điểm thi cao hơn học sinh này nhưng không được học vì không đủ điểm đỗ.
Khó cho cá nhân em, khó cho gia đình và khó cho cả nhà trường là vậy.
Giải quyết bằng cách nào? Có một hướng là em vào học trường nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Cách này Sở Giáo dục và Đào tạo có thể sắp xếp được, nhưng vấn đề là nguyện vọng, lựa chọn của gia đình và cá nhân học sinh này.
Nếu không vào trường nghề, bị thôi học ở Trường THPT Lê Hồng Phong, học sinh này bị mất một năm học mà lỗi không thuộc về em.
Để tránh những sai sót trong thi cử, học sinh phải chịu thiệt thòi, cần phải chấn chỉnh quy trình chấm thi và nhập điểm, khâu thường xảy ra sai sót nhất.
Chúng ta nói quá nhiều đến "trí tuệ nhân tạo", ứng dụng công nghệ, nhưng ngay trong ngành Giáo dục, vẫn xài động cơ "chạy bằng cơm" thì không sai sót mới là chuyện lạ.