A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10: Tránh tình trạng học lệch?

Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về phương án thi tuyển lớp 10 với ba bài thi, trong đó có Toán, Ngữ văn và môn thứ 3 do Sở GD&ĐT của các địa phương bốc thăm đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Chấm dứt mỗi địa phương một kiểu

Bộ GD&ĐT lấy ý kiến các địa phương, trường học về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT trong đó có việc góp ý cho phương án thi tuyển lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Điểm mới trong phương án Bộ GD&ĐT đưa ra là sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với 3 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn và môn thi thứ 3 do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại của chương trình THCS. Môn thi thứ 3 phải được Sở GD&ĐT công bố vào cuối tháng 3 hằng năm, cách kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chừng vài tháng.

So với trước đây, phương án của Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến các nhà trường, Sở GD&ĐT có điểm mới đó là nếu thống nhất có thể chấm dứt tình trạng mỗi địa phương tổ chức tuyển sinh lớp 10 theo một kiểu.

Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10: Tránh tình trạng học lệch?- Ảnh 1.

Phương án bốc thăm chọn môn thi thứ 3 của Bộ GD&ĐT gây nhiều tranh cãi

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi vượt cấp theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, các địa phương phải xây dựng phương án thi mới phù hợp với môn học cũng như mục tiêu của chương trình. Và phương án Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến đang gây ra nhiều tranh cãi đối với phụ huynh, học sinh lẫn những người trong ngành giáo dục.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang Trần Tuấn Khanh đồng tình với phương án Bộ GD&ĐT đưa ra. Theo ông Khanh, không kể 2 môn Toán, Ngữ văn, môn thi thứ 3 bốc thăm sẽ khắc phục được tình trạng học sinh học tủ, học lệch lâu nay.

Trong dự thảo, Bộ GD&ĐT không nêu rõ môn thi thứ 3 nằm trong số các môn còn lại cụ thể là những môn nào. Hiện nay, ngoài Toán, Ngữ văn, chương trình GDPT 2018 bậc THCS còn có các môn như: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học.

Nếu rơi vào các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, học sinh sẽ thi từng môn đơn lẻ hay phải tích hợp kiến thức 3 môn gồm Vật lý, Hoá học, Sinh học. Hay môn Lịch sử - địa lý, học sinh cũng sẽ phải cùng lúc thi 2 môn. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần làm rõ ở nội dung này để tránh lúng túng khi đưa vào thực tế.

Trên thực tế, thời điểm này tỉnh Quảng Nam đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 kết hợp thi tuyển 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ kết hợp xét tuyển dựa trên học bạ 4 năm THCS cũng có thể sẽ phải điều chỉnh sau khi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn chung.

Còn ý kiến khác nhau

Tại Hà Nội, nhiều phụ huynh cho rằng, lâu nay Thủ đô đã tổ chức thi tuyển lớp 10 với 3 môn thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ) nên duy trì phương thức đó.

Nhà giáo Trần Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lômônôxôp, Hà Nội, cũng cho rằng, phương án thi 3 môn, trong đó môn thi thứ 3 bốc thăm có ưu điểm đáng kể là sẽ chấm dứt tình trạng mỗi địa phương tổ chức kỳ thi một kiểu.

Khi có thống nhất chung, các địa phương sẽ phải tổ chức kỳ thi với 3 môn thi, tránh được việc có nơi thi 4 hay 5 môn gây lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, khi bốc thăm môn thứ 3, học sinh ở bậc THCS sẽ phải học đều tất cả các môn. Đây là điều cần thiết cho giai đoạn giáo dục cơ bản, đảm bảo lên THPT các em có nền tảng lựa chọn môn học theo năng lực.

“Nếu phương án thi được công bố từ sớm với 3 môn, có thể có tình trạng thầy trò chỉ tập trung cao độ dạy đúng 3 môn khiến cho học sinh không được giáo dục toàn diện. Việc bốc thăm cũng tránh được những xì xào của dư luận về việc ưu ái môn nọ, môn kia”, thầy Tùng nói.

Tuy nhiên, theo thầy Tùng, phương án kể trên cũng có thể tạo áp lực cho một nhóm phụ huynh và học sinh ở những nơi tỉ lệ vào trường công không cao như thành phố lớn. Điều này dẫn đến tình trạng phụ huynh cho con đi học thêm quá nhiều vì lo lắng. Do đó, thầy đề xuất phương án tổ chức thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Một số vùng gặp khó khăn với việc thi môn Ngoại ngữ nhưng sẽ phải khắc phục và có đề thi phù hợp với khả năng học Ngoại ngữ của địa phương đó.

Đại diện một Sở GD&ĐT cũng đồng tình với phương án tổ chức 3 bài thi tuyển sinh lớp 10 nhằm đảm bảo tính gọn nhẹ, không gây áp lực với học sinh nhưng cần bổ sung môn Ngoại ngữ vào kỳ thi bởi lẽ, về lâu dài chúng ta dần dần từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, trong khi học không thi thì nhiều học sinh sẽ không học. Tại các địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nếu không có mục tiêu đầu ra, phụ huynh, học sinh sẽ lơ là đối với môn Ngoại ngữ.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang Trần Tuấn Khanh đồng tình với phương án Bộ GD&ĐT đưa ra. Theo ông Khanh, không kể 2 môn Toán, Ngữ văn, môn thi thứ 3 bốc thăm sẽ khắc phục được tình trạng học sinh học tủ, học lệch lâu nay. Ngược lại, nếu biết trước sẽ thi 3 môn với những môn cụ thể, học sinh sẽ lơ là, mất động lực học tập đối với các môn học còn lại. Tuy nhiên, ông Khanh đề xuất phương án cần nêu cụ thể những môn nào được chọn để bốc thăm và việc lựa chọn số lượng các môn học để tổ chức bốc thăm giao về cho các địa phương chủ động.

Thăm dò ý kiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật