A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo khoa học đề tài chiến tranh cách mạng, người lính Cụ Hồ

Sáng 4/10, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với tên gọi “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ” tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hội thảo khoa học đề tài chiến tranh cách mạng, người lính Cụ Hồ

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo khoa học

Hội thảo nằm trong khuôn khổ các sự kiện chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, 73 năm ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hướng tới kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Khoa Việt Nam học, 67 năm ngày ra số đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo là dịp nhìn lại thành tựu trong quá khứ, hiện trạng hôm nay của văn nghệ đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ.

Điểm nhấn của hội thảo là quy tụ các học giả hàng đầu trong nước và quốc tế, soi chiếu đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, mối liên hệ giữa văn học và các ngành nghệ thuật khác…

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được tổng cộng gần 200 báo cáo tóm tắt, sau đó là 114 báo cáo toàn văn được gửi tới từ 162 học giả Việt Nam, Nhật Bản, Brunei, Philippines, Hàn Quốc. Các tham luận tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính.

Hội thảo khoa học đề tài chiến tranh cách mạng, người lính Cụ Hồ

Đại biểu tham luận, chia sẻ tại hội thảo

Nhóm chủ đề thứ nhất, từ lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc đến chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, bao gồm 26 báo cáo, tập trung vào các vấn đề: truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam trong chiều dài thời gian lịch sử; sự biến đổi của ý thức và tư tưởng xã hội trong nước và quốc tế về cuộc chiến tranh giữ nước của Việt Nam; bài học lịch sử và địa - di sản thời chiến đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay trên các lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục, du lịch…

Nhóm chủ đề thứ hai, những biểu đạt văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ, bao gồm 77 báo cáo với những nghiên cứu khái quát và nghiên cứu trường hợp, tập trung vào vấn đề thể loại, các hiện tượng tiêu biểu của văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ.

Ở nhóm chủ đề này, nhiều bài viết đã tiếp cận những hướng nghiên cứu mới khi luận giải các trường hợp văn học Việt Nam và nước ngoài về chủ đề chiến tranh cách mạng và người lính như lí thuyết hệ hình, phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái, phê bình cảnh quan, lý thuyết chấn thương...

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Nhóm chủ đề thứ ba, diễn giải điện ảnh - hội họa - nhiếp ảnh - âm nhạc về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ, bao gồm 11 báo cáo, tập trung vào các vấn đề: so sánh sự tương tác giữa các loại hình nghệ thuật như văn học - điện ảnh, văn học - nhiếp ảnh; phân tích các diễn ngôn điện ảnh, hội họa, âm nhạc… về chủ đề chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ.

Hội thảo được sự cho phép và hỗ trợ tổ chức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật