Ngôi trường ở Mỹ không áp lực điểm số, không có bài về nhà
Thời khoá biểu của học sinh theo học tại ngôi trường này bao gồm chơi cờ vua, quay phim, thảo luận. Tại đây, học sinh không áp lực điểm số, không có bài về nhà và cũng không cần làm bài kiểm tra.
Mô hình trường học kiểu mới hay trường học tự do đã có cách đây nhiều thập kỷ. Tại New York (Mỹ) tồn tại một ngôi trường theo mô hình này, đó là Brooklyn Free School.
Học những gì mình muốn
Sophia Bennett Holmes, 12 tuổi, mơ ước trở thành ca sĩ kiêm diễn viên và nhà thiết kế thời gian cho biết: "Về cơ bản, con có thể làm bất cứ điều gì vào bất cứ lúc nào. Điều này thú vị hơn nhiều vì đôi khi con chỉ được phép làm những điều mình muốn vào giờ nghỉ giải lao ở các trường bình thường".
Alan Berger, cựu phó hiệu trưởng trường công lập, người đã thành lập trường Brooklyn cho biết: "Ở đây, mọi đứa trẻ chắc chắn đều có động lực để học một thứ gì đó. Theo đuổi đam mê và mong muốn của mình, các em có thể hiểu sâu về nó và học được cách tự học.
Trước khi để con trai David Johnston theo học tại đây, bà Randy Karr rất mệt mỏi về vấn đề học tập của con. Bà cho biết bắt con trai làm bài về nhà là một cuộc đấu tranh. "Thằng bé không giao tiếp nhiều với bạn bè hay chạy nhảy với các bạn trên lớp. Điều này rất nguy hiểm nếu con bạn là một bé trai", Randy Karr chia sẻ.
Theo học tại đây, học sinh được yêu cầu phải có mặt tại trường tối thiểu 5,5 tiếng/ngày nhằm đáp dung các yêu cầu về pháp lý. Song trong thời gian đó, học sinh được làm tất cả những gì chúng muốn. Trường chỉ có 42 học sinh, độ tuổi từ 5-17 với đa dạng chủng tộc, hoàn cảnh gia đình.
Vào bất kỳ ngày học nào, một học sinh có thể chơi cờ, đọc sách, tập yoga hay giải phẫu gà con. Một ngày khác, các em lại tập trung xem bầu cử Quốc hội Hoa Kỳ, nhóm khác ngồi nghe họp báo của Tổng thống trên đài phát thanh, trong khi trên tầng là nhóm học sinh đang nô đùa nghe rõ tiếng bước chân.
Tại trường Brooklyn Free School, phần lớn việc quyết định của nhà trường được diễn ra trong một cuộc họp hàng tuần, được gọi là cuộc họp dân chủ. Trong cuộc họp, học sinh được thể hiện sự bất bình, đề xuất các quy tắc hay quy định mới. Ngay cả những học sinh nhỏ tuổi nhất cũng có quyền bầu cử ngang với nhân viên trong trường. Khi quy tắc được thống nhất, mọi người đều phải thống nhất thực hiện.
Trường Brooklyn Free School không miễn phí về mặt tài chính, học phí là 10.000 USD/năm. Nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học tại trường nhưng không được bởi trường giới hạn học sinh. Hiện trường đang có một danh sách chờ khoảng 35 học sinh.
Vẫn tồn tại nhiều khó khăn
Mang nhiều điểm đặc biệt, chương trình học theo mô hình Brooklyn Free School khiến nhiều người lo lắng. Không chỉ phụ huynh, nhiều học sinh cũng cho biết sự linh hoạt này chỉ có ý nghĩa với một nhóm học sinh. "Tôi cảm thấy học sinh của trường sẽ gặp khó khăn khi vào đại học với những áp lực học hành và không còn được tự do làm điều mình thích", Victoria Rothman, 17 tuổi, một học sinh đang theo học tại một trường công nói. Bởi mỗi ngày anh đều phải dành phần lớn thời gian để học ở trường và học thanh nhạc.
Nhiều người cho rằng các trường học như mô hình của Brooklyn Free School có thể trở nên phổ biến nếu vẫn duy trì các bài kiểm tra hay các chương trình giảng dạy. Song hoạt động của trường dựa trên niềm tin trẻ em có bản tính tò mò và học tốt nhất thứ chúng muốn chứ không phải thứ bị ép buộc. Một số cáo cáo cho rằng nhiều học sinh trưởng thành từ ngôi trường như vậy không bị ảnh hưởng nhiều khi vào đại học.
Theo CBS News, để tốt nghiệp Brooklyn Free School, học sinh phải trải qua những yêu cầu, thể hiện sự thành thạo trong các lĩnh vực như giao tiếp, điều tra, tư duy logic, phản biện.