A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội chăm lo, đầu tư cho phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong đó có chính sách đối với lĩnh vực giáo dục dân tộc trên địa bàn Thủ đô được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm đặc biệt. Nhờ đó, công tác giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Hơn 560 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục

Hiện nay, trên địa bàn thủ đô Hà Nội, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã với trên 108 nghìn người, thuộc 50/53 thành phần dân tộc, chiếm 1,3% dân số toàn Thành phố. Trong đó dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%, dân tộc Dao 4,32%; còn lại là các DTTS khác.

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục - đào tạo, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo Thủ đô triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.

Hà Nội chăm lo, đầu tư cho phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Học sinh trường Dân tộc nội trú Ba Vì

Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong đó có chính sách đối với lĩnh vực giáo dục dân tộc trên địa bàn Thủ đô được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố quan tâm đặc biệt.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tại Lễ tuyên dương giáo viên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô năm học 2021 - 2022 ngày 11/12/2022, chỉ tính từ giai đoạn 2016-2020, thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội đối với 14 xã vùng dân tộc, miền núi. Trong đó, Hà Nội đã dành hơn 560 tỷ đồng đầu tư cho các trường học thuộc 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Để tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo ở vùng dân tộc, miền núi, ngày 11/11/2021 UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư theo Kế hoạch là hơn 2 nghìn tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã bố trí gần 1 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi Thủ đô. Trong đó, có đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học cũng như đầu tư trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi.

Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại, là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học. Tại các xã vùng dân tộc, miền núi của thành phố có 60 trường học, trong đó có 32 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia.

Bên cạnh đó, đối với các thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên DTTS giảng dạy, học tập trong các trường phổ thông cũng như các trường đại học trên địa bàn Thủ đô, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư. Các chính sách, nhất là chế độ phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý được đảm bảo.

Những kết quả ấn tượng

Không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thành phố luôn coi trọng việc đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đối với vùng đồng bào DTTS miền núi. Hiện nay, trên địa bàn các xã dân tộc, miền núi có hơn 200 giáo viên đang công tác là người dân tộc thiểu số.

Hà Nội chăm lo, đầu tư cho phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cô và trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ba Vì

Hàng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại các trường trên địa bàn Thành phố nói chung và giáo viên giảng dạy tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú và các trường vùng dân tộc thiểu số.

Theo Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh: Nhờ có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Thành phố và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở nên công tác giáo dục - đào tạo vùng đồng bào DTTS miền núi đã đạt được những kết quả rất phấn khởi: 100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1; Tỷ lệ xã phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS đạt 100%; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học Trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) năm học 2021-2022 đạt trên 90%; Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương trên 80%.

Việc tuyển sinh học sinh DTTS vào lớp 6 và lớp 10 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội được thực hiện công khai, minh bạch, đúng chỉ tiêu và đối tượng theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội.

Năm học 2021-2022, là một năm học có nhiều đổi mới tích cực trong công tác dạy và học. Cùng với cả nước, thầy và trò ngành Giáo dục đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho các em học sinh, nhất là học sinh ở các trường trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi.

Với nỗ lực và quyết tâm cao của ngành Giáo dục, của các thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên nói chung, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số nói riêng, chất lượng dạy và học được duy trì ổn định và có nhiều chuyển biến tiến bộ trên các mặt, ở tất cả các cấp học, các nhà trường và đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên ở các trường đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi đã đóng góp tích cực để thủ đô Hà Nội liên tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng và số lượng giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Trong thành tích chung ấy, có những đóng góp xứng đáng của học sinh, sinh viên DTTS trên địa bàn Thành phố. Trong kỳ thi cấp Quốc tế các môn văn hoá và thể thao đối với học sinh THPT, THCS có 1 em đạt Huy chương đồng, 1 em đạt giải Khuyến khích. Trong kỳ thi cấp Quốc gia các môn văn hoá và thể thao đối với học sinh THPT, THCS có 1 em đạt giải Nhất, 1 em đạt Huy chương đồng. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố các môn văn hoá và thể thao đối với học sinh THPT, THCS có 7 em đạt giải...

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2021-2022 có 11 em là người dân tộc thiểu số thuộc các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đạt từ 26 điểm trở lên và 23 em là người dân tộc thiểu số thuộc 14 xã vùng dân tộc, miền núi Thủ đô đạt từ 25 điểm trở lên.

Năm 2022, thành 31 thầy, cô giáo và 130 em học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô được tuyên dương khen thưởng. Trong đó, có 20 thầy, cô giáo dân tộc Mường; dân tộc Tày có 04 thầy, cô; dân tộc Sán Dìu có 02 thầy, cô và các dân tộc Dao, Sán Chay, Thái, Hoa, Pu Péo mỗi dân tộc có 01 thầy, cô. Đối với các em học sinh, sinh viên dân tộc Mường có 63 em, dân tộc Tày 29 em, dân tộc Nùng 13 em, dân tộc Thái 7 em, dân tộc Dao 6 em, dân tộc Hán 3 em, dân tộc Cao Lan 3 em, dân tộc Sán Dìu 2 em, các dân tộc Mông, Bố Y, La Chí, Thổ mỗi dân tộc 1 em.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen 1 giáo viên đạt giải Nhì, 1 giáo viên đạt giải Ba cấp quận, huyện, thị xã và 37 học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, đạt giải cao trong các kỳ thi.

Trưởng ban Dân tộc tặng Giấy khen cho 29 giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm và đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, 93 học sinh có thành tích học tập xuất sắc năm học 2021-2022.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan