Đột quỵ gia tăng đột biến, nhiều ca nhập viện muộn
Trong kỳ nghỉ Tết, số ca cấp cứu và đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai tăng 30 - 40%, vượt 300 ca/ngày so với mức 200 ca thường ngày. Nhiều bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên, một số nhập viện gấp do không thể cầm cự qua Tết.
Nhiều người trẻ phải cấp cứu vì đột quỵ
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, thời gian gần đây, Bệnh viện tiếp nhận liên tiếp các bệnh nhân bị đột quỵ. Bệnh nhân nam Đ.V.Đ (45 tuổi, Hà Nội) không có tiền sử bệnh lý bất ngờ hôn mê sau khi tắm khuya. Chẩn đoán cho thấy xuất huyết não với khối máu tụ 90cm³, buộc phải phẫu thuật mở sọ giải áp. Một trường hợp khác, bệnh nhân N.X.K (42 tuổi, Hải Dương) sau khi tắm đêm đột ngột đau đầu, ý thức suy giảm rồi rơi vào hôn mê. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng tổn thương chảy máu não quá nặng khiến bệnh nhân không thể qua khỏi. Cả hai trường hợp đều là người trẻ, không có bệnh nền nhưng bị đột quỵ nặng sau khi tiếp xúc với lạnh đột ngột.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, ThS.BS Nguyễn Minh Anh - Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, số ca nhập viện tại trung tâm trong dịp Tết và những ngày đầu đi làm tăng đột biến, nhiều trường hợp nặng với các rối loạn phức tạp.
Bệnh nhân nam 46 tuổi (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện vào 29 Tết (28.1) với triệu chứng liệt nửa người và nói khó. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng điều trị không đều. Sau bữa trưa có uống rượu, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trên. Kết quả chụp chiếu tại Bệnh viện Bạch Mai xác định bệnh nhân bị chảy máu não, diễn tiến nặng với nguy cơ cao xuất hiện rối loạn khác. Sau 5 - 6 ngày điều trị tích cực, tình trạng cơ lực dần cải thiện.
Tại Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), tiếp nhận khoảng 200 ca mỗi ngày, nhưng trong dịp Tết và sau đó, con số này vượt 300. ThS.BSNT Nguyễn Như Bình - Trung tâm Cấp cứu A9 - cho biết, năm nay, số ca nhập viện do tai nạn giao thông và rượu bia giảm, nhưng bệnh lý tim mạch và hô hấp lại gia tăng, chủ yếu do thời tiết lạnh.
Bác sĩ lý giải nguy cơ đột quỵ gia tăng
Theo BS Nguyễn Ngọc Uyển, thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến cả đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Đặc biệt, thói quen tắm khuya - một vấn đề phổ biến ở Việt Nam - đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc.
“Số ca đột quỵ tăng mạnh dịp Tết do nhiều yếu tố. Nhiều người trì hoãn tái khám, tự ý dùng đơn thuốc cũ hoặc ngừng thuốc, làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt với người có bệnh nền. Thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ như thức khuya, tiêu thụ nhiều đồ chiên rán, rượu, bia trong dịp Tết cũng góp phần làm gia tăng tỉ lệ đột quỵ” - ThS.BS Nguyễn Minh Anh lý giải.
Đáng chú ý, số ca đột quỵ ở người trẻ dưới 50 tuổi chiếm đến 40%. Nguyên nhân chính là do tâm lý chủ quan, ít kiểm tra sức khỏe định kỳ, không nghĩ mình có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường. Lối sống kém khoa học, sử dụng nhiều rượu bia, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, cùng với xu hướng sử dụng các chất kích thích như ma túy đá, cần sa, thuốc lá điện tử cũng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.
Nguy cơ đột quỵ gia tăng trong dịp Tết do thói quen sinh hoạt thay đổi: Ăn uống không kiểm soát, tiêu thụ nhiều muối, dầu mỡ, ít vận động, hút thuốc lá, thừa cân, khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao, nhất là khi nhiều người bỏ qua khuyến cáo của bác sĩ... Thời tiết lạnh: Khi nhiệt độ giảm dưới 15 độ C, mạch máu co lại gây tăng huyết áp, máu cô đặc dễ hình thành cục máu đông; Rượu bia: Tiêu thụ rượu bia quá mức trong dịp Tết làm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, gây tai biến mạch máu não và nguy cơ đột quỵ đột ngột; Quên uống thuốc: Kỳ nghỉ dài khiến nhiều người quên kiểm tra sức khỏe, không chuẩn bị đủ thuốc, dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí đột quỵ.