A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý kiến khác nhau về đề xuất trưởng thôn là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Điểm k, Khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (trong đó có trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố) là một trong những đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, đề xuất này còn gây tranh cãi.

Ý kiến khác nhau về đề xuất trưởng thôn là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) đề xuất người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Quốc hội

Trưởng thôn tham gia BHXH bắt buộc có hợp lý?

Ông Trần Đình Đôn làm Trưởng thôn Việt Tiến, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã được 9 năm. Khi nghe phóng viên đề cập đến đề xuất những người như ông là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, ông Đôn không đồng tình.

“Tôi sinh năm 1963, năm nay đã 61 tuổi. Nếu bây giờ mới bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc, sẽ phải rất lâu nữa tôi mới đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Chưa kể, nếu không còn làm trưởng thôn nữa thì tôi sẽ lấy khoản nào để đóng BHXH?” - ông Đôn nêu câu hỏi.

Theo trưởng thôn này, nếu muốn đóng “1 cục” để đủ số năm nghỉ hưu không được luật cho phép; mà nếu được phép thì ông cũng không thể xoay xở được số tiền như vậy.

Trước đây, ông Đôn làm nông, có thời gian làm xóm trưởng, nhưng không tham gia BHXH bắt buộc. Đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông không có lương hưu. Hiện nay, ông được hưởng số tiền phụ cấp làm trưởng thôn là 1,8 triệu đồng/tháng.

“Theo tôi, trưởng thôn là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là không hợp lý. Hiện nay, những người làm trưởng thôn mà tôi biết thường trẻ nhất đã 55 tuổi. Lúc này họ mới có điều kiện tham gia ở thôn. Những người trẻ hơn thường đi làm công nhân để đảm bảo cuộc sống” - ông Đôn cho hay.

Tương tự, bà Lê Thị Kim Nghi - Tổ trưởng tổ dân phố tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang - cho biết, bà không muốn tham gia BHXH bắt buộc. Bà Nghi làm trưởng thôn từ năm 2016 đến nay, được hưởng phụ cấp. “Trước đây, tôi làm công chức, khi đến tuổi nghỉ hưu đã có lương hưu. Do vậy, tôi thấy không hợp lý nếu những người khi về già, đã có lương hưu, nhưng đi làm tổ trưởng tổ dân phố như như tôi tham gia BHXH bắt buộc” - bà Nghi cho biết.

Đề nghị đưa sang đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 chức danh (bao gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban Công tác Mặt trận) được hưởng phụ cấp hằng tháng.

Trường hợp luật có quy định khác thì thực hiện theo quy định của luật đó. Khuyến khích việc kiêm nhiệm chức danh Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố. Những người này được hưởng phụ cấp hằng tháng theo quy định pháp luật.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, vấn đề mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn TP Cần Thơ) cho rằng, cân nhắc đưa đối tượng là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn, tổ dân phố.

“Bởi vì đối với cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn, tổ dân phố là những người hoạt động không ổn định. Vì vậy, nếu quy định đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc sẽ rất khó theo dõi và rất khó quản lý”- đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh cho biết. Vì vậy, đề nghị đưa đối tượng này sang đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Điểm k, Khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là một trong những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong khi đó, Luật BHXH hiện hành quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, dự thảo luật đã bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là một trong những đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan