A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cầu thủ nhập tịch liệu có mang lại thành công cho tuyển Việt Nam?

Tuyển Việt Nam rất cần cầu thủ nhập tịch nhưng liệu đó có phải phương án đảm bảo cho thành công thì cần thời gian trả lời.

Cầu thủ nhập tịch liệu có mang lại thành công cho tuyển Việt Nam?

Rafaelson là số ít cầu thủ ngoại đủ điều kiện nhập tịch. Ảnh: NĐFC

Tuyển Việt Nam buộc phải nhập tịch ngoại binh?

Cách đây vài năm, ý tưởng nhập tịch một ngoại binh nào đó sẽ sớm bị gạt đi. Tuyển Việt Nam có Công Phượng, Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Toàn… đang ở độ chín của sự nghiệp. Một đội hình như thế thì nhập tịch để làm gì? Nhưng bóng đá là câu chuyện của thời điểm. Giờ đây, tình thế hoàn toàn khác với tuyển Việt Nam.

Về cơ bản, ngoài Nguyễn Filip và Đặng Văn Lâm, tuyển Việt Nam không có thêm cầu thủ Việt kiều nào đủ chất lượng để bổ sung. Jason Pendant Quang Vinh mới về nước, vẫn được tính là ngoại binh. Anh cần một thời gian dài nữa để thực sự hòa nhập với môi trường quê hương và cống hiến nhiều hơn.

Trong khi đó, thất bại của huấn luyện viên Troussier chỉ ra nhiều vấn đề về lực lượng của đội tuyển. Thế hệ vàng đã sa sút rất nhiều về thể lực, phong độ và cả khao khát bóng đá. Nhà cầm quân người Pháp có thể sai lầm về chính sách sử dụng cầu thủ trẻ. Nhưng qua điều chỉnh này, người hâm mộ hiểu rằng cầu thủ trẻ chưa đủ trình độ và thực tế khó có thể vươn đến tầm của đàn anh.

Khi cầu thủ kế cận không đạt yêu cầu, cầu thủ đá chính sa sút mà không có nguồn lực bổ sung, tuyển Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian trở lại với đỉnh cao. Nhập tịch cầu thủ gần như là phương án bắt buộc.

Những ngày qua, tất cả hào hứng với thông tin Rafaelson Fernandes sắp có quốc tịch Việt Nam. Có thể VFF và huấn luyện viên Kim Sang-sik chờ đợi, sẵn sàng đưa ngôi sao gốc Brazil lên đội tuyển. Rafaelson chắc chắn là sự bổ sung tốt, nhưng không có nghĩa rằng bóng đá Việt Nam cứ thoải mái nhập tịch.

Nhập tịch không phải sự bảo đảm

Trả lời câu hỏi của Lao Động, Giám đốc kĩ thuật câu lạc bộ Thanh Hóa – ông Hoàng Thanh Tùng nhận định: “Theo tôi, nhập tịch không phải câu chuyện đơn giản, nhất là với đội tuyển. Câu chuyện gắn kết toàn đội, sự tận hiến cá nhân sẽ được đặt cao ngang với chuyên môn. Điều này khác với cấp độ câu lạc bộ. Không phải cứ ngoại binh nhập tịch hay là giúp đội tuyển tốt hơn”.

Nhận định của ông Tùng không phải không có cơ sở. Malaysia từng nhập tịch một vài ngoại binh nhưng chất lượng của họ không hơn các cầu thủ bản địa. Một vài lần, chuyện bên lề sân cỏ của nhóm cầu thủ này còn khiến các đời huấn luyện viên của Malaysia tốn thời gian để giải quyết.

Singapore là một quốc gia khá thành công khi nhập tịch cầu thủ nhưng giai đoạn thăng hoa kéo dài rất ngắn. Vài năm gần đây, họ nhập tịch nhưng không tìm được vinh quang như xưa. Đầu tàu của đội tuyển này vẫn là anh em nhà Fandi. Người hiếm hoi thể hiện được vai trò là Jacpp Mahler, nhưng anh có gốc Singapore.

Nhìn lại bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại, sau Rafaelson xong thì cũng không còn nguồn có thể nhập tịch. Gustavo, Rimario, Mpande, Pinto, Pedro Paulo từng chơi hay, trình độ vượt trội so với đồng nghiệp Việt Nam. Nhưng họ đã xuống dốc rất nhiều, động lực thi đấu cũng là dấu hỏi lớn.

Nhập tịch nhiều cầu thủ còn gây ra hệ lụy khôn lường. Các đội bóng V.League sẽ lại bắt đầu một cuộc chạy đua mới. Nhiều năm trước, từng có thời các trung tâm đào tạo trẻ ít nhận được nguồn đầu tư vì ông chủ dốc hầu bao cho ngoại binh và cầu thủ nhập tịch.

Bởi vậy, kết hợp giữa nguồn lực trong nước và cầu thủ nhập tịch mới là phương án hay, nhưng rất khó để thực hiện sao cho hiệu quả nhất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan